Hoạt động cúng sao, dâng sao giải hạn là tập tục quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt. Cúng sao giải hạn không phải tín ngưỡng Phật giáo. Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt, ngày xấu, ngày tốt nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người.
Nhiều người Việt từ Bắc đến Nam vào dịp đầu xuân thường có thói quen là ” dâng sao, cúng sao giải hạn “. Việc làm tâm linh đó giúp cho nhiều người cảm thấy yên tâm sẽ tránh được những vận hạn trong một năm. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt Nam.
Nếu như tử vi ở các nước phương Tây có 12 cung hoàng đạo thì theo quan niệm dân gian người Á Đông, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm sao, do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 chòm sao sáng nhất (Cửu Diệu) sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Các sao này có sao tốt và sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành.
Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… Bởi vậy, “đến hẹn lại lên”, dịp cuối năm nhiều người thường tìm đến các thầy bói để tính sao, đoán hạn, tìm cách giải vận hạn sao chiếu mệnh trong năm mới. trong đó có các sao bị coi là sao xấu như: La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hớn…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 06/01/2020 ra văn bản yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không phải lễ dâng sao giải hạn, tránh mê tín dị đoan, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh…
Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi tổ chức thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh yếu tố mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng với chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh.
Đây là thời điểm không thể muộn hơn để người Phật tử chấn chỉnh lại chính pháp, tạo điều kiện cho sự tìm hiểu, học tập và phát triển đạo đức Phật giáo.
“Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt; ngày xấu, ngày đẹp nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Giáo lý nhà Phật cũng không hề nói đến cúng sao giải hạn. Việc người dân sắm lễ rình rang, tốn kém để cúng sao là điều không cần thiết.
Lễ cầu an là nghi lễ thuộc về Phật giáo nhằm hướng các phật tử đến điều an lành, sống theo lời Phật dạy. Còn dâng sao giải hạn theo quan niệm thực dụng là dâng lễ vật để tai qua nạn khỏi. Quan điểm nhà Phật thì con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình. Sống thiện thì mới có thể biến họa thành phúc.
Không thể cấm đoán, phải nâng cao trí tuệ
Lòng tin thuộc tín ngưỡng của người dân có từ lâu đời, không thể cấm đoán, bởi vì cấm đoán cũng chẳng được, mà phải dần dần nâng cao dân trí thì điều đó sẽ ít dần đi. Dâng sao giải hạn không phải của nhà Phật, bởi vì đạo Phật là một hệ thống “triết học vô thần”, từ bi, giác ngộ; “vô thần” ở đây được hiểu là các thần thánh vẫn còn tham sân si, khi hết phước thì vẫn phải đọa lạc chịu luân hồi trong sáu cõi. Các vị thần nếu có thì không phải là đấng toàn năng, sáng tạo, vẫn có những điều mà họ không biết, không hiểu.
Tuy cúng giải sao hạn không phải là tín ngưỡng trong Phật giáo nhưng nhiều người lại đặt niềm tin rất mạnh mẽ vào việc này. Bởi vậy, một số chùa vẫn để người dân tìm đến cúng giải sao hạn trong các dịp đầu năm như một nơi để họ gửi gắm niềm tin đúng chỗ. Nhà chùa mong mỏi người dân thành tâm làm thiện, đó mới thật sự là việc hóa giải các nạn tai và tạo phúc lộc cho mình.
Người tu hành đừng rơi vào bẫy mê tín
Nhiều năm nay tục dâng sao giải hạn được thực hiện ở một số chùa, thường từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng. Có một số chùa thì đóng một số tiền tùy tâm, một số thì có một mức tiền cố định tối thiểu. Một số chùa người dâng sao giải hạn vẫn rất đông; thành phần cũng đa dạng, có người là Phật tử, có người không phải là Phật tử.
Con người muốn đi xin, đi cầu điều tốt lành thì nên tìm đến đúng chỗ. Muốn tìm đến trí tuệ phải vào trường học hành chứ không thể đi ra chợ. Đạo Phật dạy người ta phải lấy trí tuệ làm đầu. Nhà sư nào còn làm ‘cúng sao giải hạn’ ở cửa chùa mà không làm được việc coi nó là một phương tiện tiếp dẫn để giảng giải giáo lý Phật giáo cho những người mới thì nhà sư đó đã rơi vào bẫy của mê tín hoặc tiền tài.
Cần phải khẳng định lại, một số chùa đã lạm dụng, làm biến tướng và có kiểu hình thức dịch vụ tâm linh về việc dâng sao, cúng sao giải hạn, làm sai lệch tinh thần Phật giáo. Tuy nhiên, nếu từ một số chùa mà cố tình đánh đồng, gán ghép về cả một hệ thống và rất nhiều chùa làm sai việc này là cố tình xuyên tạc, bóp méo về Phật giáo và có thể gây ngộ nhận cho những người sơ cơ, mới tìm hiểu Phật giáo. Bởi lẽ hiện nay khi kinh tế và khoa học phát triển, nhiều người bận công việc nên cả năm họ chỉ đi chùa vào một số ngày quan trọng.
Theo nhà Phật, vào chùa là đi tìm bình an, trí tuệ, thiện tâm với tấm gương là trí tuệ đức Phật đã giác ngộ, do đó đưa dâng sao giải hạn vào trong một số chùa mà không phải là phương tiện đưa người vào đạo, cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm một số người hiểu sai lệch và mất thiện cảm với Phật giáo.
Một nhà sư Phật giáo ở TP. HCM chia sẻ: ” Cần nhìn nhận việc cầu an, cầu phúc lộc trong người dân là nhu cầu chính đáng. Nếu nhà chùa không thực hiện thì người dân vẫn có thể tìm đến các thầy mo, thầy cúng để làm, như vậy lại càng dễ gây ra mê tín dị đoan hơn. Trong những dịp này, nhà chùa sẽ truyền đạt cho người dân hiểu rõ về triết lý nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái nhiều tiền của để giải nạn mà nên làm thiện để tạo phúc báo “.
Đức Phật không vẽ ra “sao”
Vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng) tổ chức các khóa lễ để cầu an. Tại những khóa lễ này bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Đức Phật dạy chúng ta về nhân quả. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến trong hiện tại hoặc tương lai. Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên hội tụ đầy đủ thì quả thành.
Một số người khi thấy việc cúng sao giải hạn đã ngộ nhận hoặc hiểu lầm về Phật giáo. Có một số cá nhân đã cố tình dựa vào việc ‘cúng sao giải hạn’ để xuyên tạc, cố tình bôi nhọ về Phật giáo nói chung cũng như Phật giáo Đại Thừa nói riêng. Phải là người đi nhiều nơi, nhiều chùa trên khắp các vùng miền cả nước và không có tâm lý kỳ thị vùng miền, cũng như am hiểu lịch sử thì mới có một cái nhìn rộng tổng quan và khách quan.
Việc cúng sao giải hạn không chỉ có ở một số chùa mà còn có ở các đền, phủ, điện, tư thất…v.v. hoặc thậm chí một số nhà còn mời riêng thầy cúng để “cúng sao giải hạn” tại nhà. Đây là việc có ở trên khắp cả nước chứ không phải ở riêng một vùng miền nào cả.
Hãy tin vào nhân quả thay vì dâng sao giải hạn
nhà Phật có câu: ” Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại “.
” Người tốt không có sao xấu, người xấu không có sao tốt “. Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, ngày nào tốt mà cũng không có sao hạn, sao tốt.
Hoan Lee tổng hợp