Bạn đang xem bài viết Phải Chăng Không Thể Dời Bãi Đỗ Xe Trên Đất Di Tích Lăng Khải Định Sang Khu Ruộng Lúa Thuộc Làng Châu Chữ Sát Đó Là “Do Là Đất Nông Nghiệp Nên Thủ Tục Chuyển Đổi Mục Đích Sử Dụng Rất Khó Khăn” ? được cập nhật mới nhất tháng 10 năm 2023 trên website Xnko.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
ĐỂ BẢO VỆ CẢNH QUAN DI SẢN VĂN HÓA HUẾ CHO ĐỜI NẦY VÀ MUÔN ĐỜI SAU, NGÀY 27-7-2023 TÔI GỞI CHO TS PHAN THANH HẢI – GIÁM ĐỐC TTBTDT CỐ ĐÔ HUẾ MỘT LÁ THƯ ĐỀ NGHỊ ÔNG CHO CHUYỂN VIỆC XÂY DỰNG BÃI ĐỖ XE TRÊN KHU ĐẤT LƯU ĐỨC 5000m 2 THUỘC LĂNG KHẢI ĐỊNH – DI SẢN THẾ GIỚI, QUA KHU RUỘNG LÚA THUỘC LÀNG CHÂU CHỮ Ở BÊN CẠNH. TS PHAN THANH HẢI KHÔNG ĐỒNG TÌNH VÀ HỒI ĐÁP CHO TÔI MỘT THƯ GIẢI TRÌNH VỀ CHỦ TRƯƠNG CỦA TTBTDT CỐ ĐÔ HUẾ VỀ VIỆC XÂY DỰNG BÃI ĐỖ XE NÓI TRÊN. LÁ THƯ CỦA TÔI GỞI CHO TS PHAN THANH HẢI, TÔI ĐÃ CÔNG BỐ TRÊN FB CỦA TÔI VÀO NGÀY 28-8-2023. NAY TÔI XIN BÌNH LUẬN LÁ THƯ CỦA TS PHAN THANH HẢI GỞI CHO TÔI (XEM ẢNH 1A VÀ 1B Ở DƯỚI). ĐỂ TIỆN VIỆC BÌNH LUẬN TÔI CHÉP NGUYÊN VĂN LÁ THƯ, ĐÓNG KHUNG NHỮNG ĐOẠN CẦN BÌNH LUẬN VÀ TIẾP ĐÓ LÀ BÌNH LUẬN CỦA TÔI. RẤT MONG ĐƯỢC TÁC GIẢ LÁ THƯ VÀ BẠN ĐỌC CHẤP NHẬN CHO CÁCH BÌNH LUẬN THÔ THIỂN CỦA TÔI DƯỚI ĐÂY. CÁM ƠN. NĐX. .
Thư của TS Phan Thanh Hải gởi cho Nguyễn Đắc Xuân
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2023
Kính gửi: Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐẮC XUÂN
1. Trước hết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin chân thành cám ơn Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã dành sự quan tâm gắn bó và đồng hành với nhiều công việc của Trung tâm trong thời gian qua cùng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và kỹ thuật của Trung tâm hoàn thành được nhiều công việc góp phần nâng tầm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
2.1 Vị trí xây dựng bãi đỗ xe:
– Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan Lăng Vua Khải Định được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 28/7/2023 trên cơ sở đề nghị Giám đốc Xây dựng Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 927/TTr-SXD ngày 17/7/2023, ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại văn bản số 4165/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2014, ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại văn bản số 1730/SVHTTDL-DSVH ngày 25/9/2014, ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1961/TTr-SKHĐT ngày 29/9/2014.
– Vị trí bãi đỗ xe nằm tại khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích Lăng Vua Khải Định có diện tích 4.975m 2, thuộc loại công trình dịch vụ góp phần phát huy giá trị di tích nên chủ đầu tư đã có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên.
– Kết quả nghiên cứu các tư liệu và hình ảnh lịch sử cho biết, khu vực này vốn là bãi tập kết vật liệu xây dựng lán trại công trường của lính, thợ, phu xây dựng lăng Vua Khải Định (thời kỳ 1920-1931). Hiện nay, tại khu vực này vẫn còn một chiếc giếng cổ – vốn là giếng được đào để cung cấp nước sinh hoạt cho lính, thợ ngày xưa. Dự án có nội dung bảo tồn và phát huy giá trị chiếc giếng cổ này.
NĐX. Xin hoan nghinh TT đã có chủ trương giữ lại cái giếng cổ. Nhưng xin hỏi, cái giếng nằm trên khu đất của di tích ngày xưa dùng làm nơi tập trung vật liệu xây dựng lăng Khải Định cũng là đất cổ của di tích, vì sao giữ giếng lại không giữ khu đất có cái giếng cổ? Đã giữ cái giếng cổ thì phải giữ khu đất có cái giếng cổ chứ? Đất của di tích thì TT mới có quyền quản lý. TT có quyền gì lấy đất của di tích xây bãi đỗ xe làm kinh tế cho TT?
2.3 Theo qui mô thiết kế được phê duyệt: (căn cứ kết quả điều tra, khảo sát tình hình thực tế và số liệu tổng hợp lượng khách tham quan từ năm 2011 đến 2014 kết hợp với dự báo tốc độ tăng trưởng đến năm 2025).
– Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô (trong đó có: 12 xe 45 chỗ, 9 xe dưới 30 chỗ, 10 xe dưới 7 chỗ) và khoảng 30 xe máy, xe đạp cho cán bộ nhân viên và khách tham quan.
– Diện tích bố trí để trồng cây xanh thảm cỏ: 1240m 2, chiếm tỷ lệ 25% diện tích khu đất xây dựng bãi đỗ xe (chưa kể diện tích cây xanh được giữ lại tại khu vực vành đai bảo vệ và khu vực ven theo khe Châu Ê).
NĐX. Với tính toán của TT “Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô” cho đến năm 2025. Lăng Khải Định nếu không bị động đất chôn vùi thì cũng tồn tại ít nhất đến năm 2117. Sau năm 2025 đến năm 2117 lượng khách du lịch đến tham quan lăng Khải Định đông gấp đôi gấp ba lần so với năm 2025 thì lấy đất đâu mà mở rộng bến xe lớn hơn gấp hai gấp ba lần để phục vụ khách? Phải chăng tầm nhìn của TT chỉ giới hạn đến lúc các vị về hưu thôi sao? Cái tầm nhìn chỉ biết lợi ích cục bộ sẽ để lại hậu quả vô cùng khó khăn cho các thế hệ tương lai. Để hướng đến tương lai tốt đẹp tôi đã đề nghị chuyển nơi xây dựng bến xe qua các ruộng lúa làng Châu Ê ngay bên kia đường của khu đất xây dựng bến xe ngày nay. Nếu dời bãi đỗ xe qua khu ruộng lúa ấy thì trong tương lai mở rộng bãi đỗ xe mấy cũng được.
2.4 Ranh giới bãi đỗ xe giới tiếp giáp với khe Châu Ê được xây dựng một kè đá hộc để chắn đất nâng cao trình bãi đỗ xe và bảo vệ dòng kênh Châu Ê, vị trí kè chắn đất cách mép nước trung bình của khe Châu Ê bình quân từ 7 đến 10m.
NĐX.- Con khe Châu Ê chảy từ trái sang phải đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phong thủy lăng Khải Định. Con khe thiên nhiên nầy chảy ra sông Hương bao đời nay đẹp là nhờ phong cảnh hai bên bờ rất hài hòa của nó. Nay xây dựng bãi đỗ xe nhận con khe xuống tầng sâu trở thành một con kênh nhỏ thoát nước mà thôi. Công trình bãi đỗ xe phá hoại cảnh quan khe Châu Ê.
2.5 Đơn vị thi công đã có bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe, được dựng tại khu vực phía trước tiếp giáp với tuyến đường hiện có. Tuy nhiên, vị trí này hơi khuất tầm nhìn nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ cho thay đổi ví trí để đảm bảo thuận lợi hơn và an toàn cho các phương tiện giao thông.
NĐX.– Đúng là khi đi khảo sát thực tế công trường xây dựng bãi đỗ xe lăng Khải Định tôi không thấy “Bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe”. Được TT nhắc tôi, tôi lên xem lại thì thấy quả là tôi đã không thấy bản vẽ ấy. Đó là một thiếu sót và xin cám ơn TT. Tuy nhiên nhờ đó mà tôi lại phát hiện được một điều lạ: Tấm pa-nô chỉ vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe với chú thích 6 hạng mục chính ngoài ra không hề có một chữ nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình. Đây là một sự vi phạm trong quy chế xây dựng một công trình mới. Như có báo đã hỏi: “Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có phải đang cố tình né tránh báo chí, dư luận và không cho mọi người tìm hiểu việc xây dựng ở đây?”Đề nghị TT giải thích về sự vi phạm nầy!
H.1 Bản vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe trước mặt lăng Khải Định chỉ có chú thích 6 hạng mục chính ngoài ra không hề có một chữ nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình.
H.2 Bản vẽ dự án xây dựng bãi đỗ xe ở lăng Tự Đức có ghi rõ Địa điểm: Phường Thủy Xuân, Thành phố Huế. Chủ đầu tư: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chuỗi Giá Trị. Diện tích đất: 16.866 chúng tôi quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh TT-Huế. Công văn số 1366/BVHTTDL-DSVH ngày 09/4/2023 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
2.6 Theo ý kiến đề xuất của Nhà nghiên cứu chọn ví trí bãi đỗ xe tại khu vực trồng lúa: do là đất nông nghiệp nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó khăn và theo ý kiến của Sở Xây dựng góp ý cho dự án này thì vị trí xây dựng bãi đỗ xe hiện tại là phù hợp và đảm bảo an toàn giao thông nhất trong khu vực.
NĐX.– TT không đồng ý “vị trí bãi đỗ xe tại khu vực trồng lúa” của tôi vì “do là đất nông nghiệp nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó khăn“. Xin hỏi TT đã đi xin chưa mà biết rất khó khăn? Hằng ngày TT đi về trên đoạn đường từ rừng thông Thiên An lên lăng Khải Định trước đây có thuộc thổ cư đâu thế mà hàng chục biệt phủ, công trình nhà ở của tư nhân đang mọc lên như nấm. Tư nhân lo cho họ chắc cũng khó khăn mà họ làm được. Còn TT thực hiện một công trình phục vụ cho sự nghiệp công (Di sản thế giới) hàng trăm năm mà lo không được sao?
Tôi đã nghiên cứu kỹ bãi ruộng của làng Châu Chữ thuộc Thị xã Hương Thủy quê hương của tôi, rồi tôi mới đề nghị TT chuyển địa điểm xây dựng bãi đỗ xe qua đó. Bãi đỗ xe kèm theo nhiều dịch vụ như nghỉ ngơi, ăn uống, giải khát, mua bán hàng lưu niệm, hoa quả, sẽ giúp cho dân Châu Chữ của Thị xã Hương Thủy có thêm công ăn việc làm, giúp làng Châu Chữ phát triển theo hướng đô thị hóa, dân chúng được nhờ mà Thị xã Hương Thủy lại có thêm một nguồn thu thuế nữa quý biết bao! Có cái ông Chủ tịch Thị xã nào lại đi làm khó dễ phức tạp TT trong việc dành một bãi ruộng để biến thành một điểm kinh doanh mang tính đô thị bên cạnh một di sản thế giới. Nếu TT muốn tôi sẽ chống gậy theo TT về Thị xã Hương Thủy quê tôi đảnh lễ lãnh đạo Thị xã giải quyết ngay những khó khăn của TT, OK?
3. Trong quá trình triển khai dự án xây dựng bãi đỗ xe lăng Vua Khải Định, Trung tâm đã chỉ đạo đơn vị thi công và bố trí lực lượng giám sát thường xuyên theo dõi để đảm bảo hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi cho du khách và môi trường cảnh quan khu vực, đảm bảo không tác động đến khe Châu Ê và các yếu tố phong thủy của khu lăng.
Trung tâm xin phúc đáp các ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và một lần nữa xin cám ơn sự quan tâm đầy trách nhiệm của nhà nghiên cứu và luôn mong muốn được tiếp tục tiếp thu ý kiến của nhà nghiên cứu nói riêng và của cộng đồng nói chung với tinh thân luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của quần thể di tích Cố đô Huế một cách bền vững và hiệu quả.
Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế
Phan Thanh Hải
Ký tên và đóng dấu
Tôi chờ ý kiến của TS Phan Thanh Hải – GĐ TTBTDT Cố đô Huế, các ngành chức năng văn hóa xã hội ở TTH và các nhà văn hóa, bạn đọc gần xa. Kính chào tất cả.
Huế, ngày cuối tháng 8 – 2023
Nguyễn Đắc Xuân
H.3 Bản sao thư của TS Phan Thanh Hải gửi NNC Nguyễn Đắc Xuân ngày 28.7.2023
Lăng Khải Định (Ứng Lăng)
Lăng Khải Định (Ứng Lăng), nằm trên triền Tây-Nam của một quả núi thuộc vùng núi Châu Ê, thuộc làng Châu Chữ, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng Khải Định được công nhận là Di tích Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1979 theo Quyết định số 54-VH/TTQĐ ngày 29-4-1979. Di tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km, chúng ta có thể đi đến Ứng Lăng bằng hai con đường, đường bộ từ trung tâm thành phố theo đường Lê Lợi lên đường Điện Biên Phủ tới đàn Nam Giao, rẽ bên trái đi theo đường Minh Mạng lên đến ngã ba cầu Lim, lại tiếp tục rẽ trái đi thẳng là đến lăng Khải Định, toàn bộ quãng đường này chừng 10km. Đối với việc đi đường thủy xuất phát từ trung tâm thành phố đi thuyền ngược sông Hương đến bến Phà Tuần thì cập bờ. Từ đây đi bộ vào lăng Khải Định khoảng 1,5km.
Vua Khải Định là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Tuấn (tên Tuấn là do chọn chữ thứ 9 trong Kim sách), tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Ông là con trai trưởng của vua Đồng Khánh (Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế) và bà Tiên Cung Dương Thị Thục (Hựu Thiên Thuần Hoàng Hậu). Ông sinh ngày 8-10-1885, đúng vào năm Kinh đô Huế thất thủ, chủ quyền đất nước hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp.
Khi vua Đồng Khánh mất, thì Nguyễn Phúc Bửu Đảo mới được 4 tuổi, do đó triều đình Nguyễn với sự đồng ý của người Pháp đã đưa Nguyễn Phúc Bửu Lân (vua Thành Thái) lên ngôi. Năm 1906, ông được phong là Phụng Hóa Công. Đến tháng 4 năm Bính Thìn (1916), thực dân Pháp đưa vua Duy Tân đi đày ở đảo Réunion, triều đình Nguyễn cùng người Pháp đưa Nguyễn Phúc Bửu Đảo lên ngôi (ngày 18-5-1916), lấy niên hiệu là Khải Định.
Sau khi lên ngôi, vai trò của vua Khải Định chỉ có tính chất bù nhìn vì thực dân Pháp đã hoàn toàn thống trị Việt Nam. Sở thích chính của vua Khải Định trong những năm làm vua là xây dựng các công trình kiến trúc có tính cách tân. Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1922), vua Khải Định được mời qua Pháp dự cuộc “Đấu xảo thuộc địa” tại Mác-xây (Marseille). Trong thời gian vua Khải Định ở Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ cũng đang hoạt động ở Pháp đã viết vở kịch “Con Rồng Tre” đả kích. Nội dung của vở kịch này đã ám chỉ, vạch trần vai trò bù nhìn của ông vua Đại Nam Khải Định.
Năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định mắc bệnh nặng nhưng vẫn tổ chức lễ Tứ tuần Đại khánh (thọ 40 tuổi) hết sức long trọng và tốn kém. Ngày 20 tháng 9 năm Ất Sửu (6-11-1925), vua Khải Định băng hà, thọ 41 tuổi (tuổi âm lịch). Ông được vua Bảo Đại truy tôn thụy hiệu là Hoằng Tông Tự Đại Gia Vận Thánh Minh Thần Trí Nhân Hiếu Thành Kính Di Mô Thừa Liệt Tuyên Hoàng Đế. Vua Khải Định được thờ tại Thế Miếu (án thứ 3 bên phải), điện Phụng Tiên và tại lăng Khải Định (Ứng Lăng). Để chuẩn bị cho cuộc sống kiếp sau của mình, từ năm 1920, vua Khải Định đã quyết định cho xây dựng một khu lăng đồ sộ ở triền núi Tây-Nam của một hòn núi đá thuộc dãy núi Châu Ê.
Trong suốt 11 năm ấy vua Khải Định đã huy động nhiều binh lính thợ thuyền và tù nhân lên đây làm việc khổ sai, mở đường phá núi, làm toại đạo, tạo ra mặt bằng xây dựng ở triền phía Tây của một ngọn núi thuộc vùng Châu Chữ. Tất cả mọi người và mọi việc xây lăng đều đặt dưới sự điều khiển của điền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá. Nhà thầu khoán Nguyễn Thành Hưng coi về vật liệu xây dựng. Ông Bang Phu điều hành về nhân sự. Triều đình đã đưa tất cả thợ thủ công có tay nghề cao nhất trong “Nê ngõa tượng cuộc” lên đây làm việc dài hạn. Nổi tiếng nhất bấy giờ là ông Phan Văn Tánh, ông Kiểm Khả, ông Ký Duyệt, ông Cửu Sừng, ông Cửu Lập.
Để thực hiện các công trình kiến trúc và trang trí tốn kém lăng Khải Định. Nhà nước bấy giờ đã tăng 10% thuế đinh, 30% thuế điền trong cả nước. Sắt, ngói ardoise, xi-măng phải mua từ Pháp. Sành ngang chở từ Hà Đông vào. Sành kiểu, sứ tốt, vỏ chai, thủy tinh phải nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Kết tinh của bao nhiêu của cải vật chất từ nhân dân cùng mồ hôi xương máu của bao nhiêu lính tù, phu phen và trí óc sáng tạo, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo nên một lăng Khải Định vô cùng hoành tráng, một công trình có giá trị rất cao về nghệ thuật.
Lăng Khải Định được khép kín trong 1 khuôn tường thành hình chữ nhật dài 117m; rộng 48,5m, diện tích hơn nửa ha, gồm 10 công trình kiến trúc chính. Toàn bộ lăng đều được làm bằng xi-măng cốt sắt, chạy thẳng theo một trục dọc và không chia thành từng khu vực khác nhau.
Lăng Khải Định có hình chữ nhật chạy thoai thoải từ dưới chân núi lên tới lưng chừng. Bao quanh lăng là hệ thống hàng rào chắn song đắp nổi bằng xi-măng cốt sắt, cao 2,97m. Riêng phần phía sau lăng được bao che bằng tường kín hình vòm dựa theo thế khum của đỉnh núi phía sau. Tường xây mặt ngoài trang trí kiểu tổ ong (ô hình lục giác).
Trước lăng là cửa chính ra vào gồm 3 lối đi. Dẫn lên cửa gồm có 37 bậc cấp, chia 3 lối lên. Thành bậc giữa các lối lên là các con rồng đắp bằng gạch vữa, uốn lượn dọc theo hai bên lối đi theo hướng từ trên xuống dưới với dáng vẻ dữ tợn, miệng ngậm ngọc, hai chân trước đưa ra giữ quả cầu tròn có các vân xoắn và hoa văn hình sóng nước bao quanh. So với các lăng khác, lăng vua Khải Định có độ dốc cao, các bậc thềm choán toàn bộ mặt trước của lăng nên 4 con rồng này cũng rất lớn, cân xứng với kích thước bề thế của bậc cấp. Rồng đắp bằng vật liệu vôi gạch và xi măng chứ không làm bằng đá nên các chi tiết có phần không được sắc sảo, thanh thoát bằng rồng ở các lăng khác, mà có phần thô và xấu hơn.
Cửa vào lăng gồm 3 lối vào, đóng khép bằng 2 cánh cửa sắt, cửa giữa rộng 5,70m, cửa 2 bên rộng 4,70m nền lát đá Thanh. Trụ cửa được làm theo hệ thống kép tròn ở hai bên ấp vào hai trụ vuông khác nhau. Đỉnh trụ tròn là một búp nhọn như bút lông đặt trên 5 tầng hình lọng, quanh các tầng tròn chia ô chạm hoa quả. Thân trụ tròn đắp hình nổi, đế trụ trang trí hoa quả. Hai trụ vuông sát nhau, đỉnh chia hai tầng, trên là quả cầu tròn, dưới là lồng đèn bổ 4 trụ, để rỗng lòng. Cả hai tầng mái đắp vân xoắn. Thân trụ vuông trang trí câu đối khảm trai với các đường riềm chữ vạn và hoa lá bao quanh, đế trụ chia ô đắp nổi chữ Thọ. Ở 2 cửa bên trục vuông chỉ có mặt trong.
Chúng ta di chuyển qua khỏi cửa là đến tầng sân của lăng, sân được lát gạch carô dài 47m, rộng 24,5m. Hai bên có hai công trình kiến trúc giống nhau, thường gọi là Nhà Xanh, Nhà Vàng (căn cứ vào màu sơn của công trình), có chức năng của Tả Hữu Tùng tự, nhưng chưa rõ là để thờ các bà vợ vua hay phối thờ các quan. Nhà có chiều dài 16,5m, rộng 8,6m chia làm 3 gian, nền cao 0,76m láng xi-măng. Tường bao che bằng gạch, mặt trước mở 3 cửa vào, mặt sau ở giữa gian giữa mở 1 cửa vào. Vì kèo bằng sắt kiểu cánh ác đỡ 6 đòn tay và 1 đòn đông hình chữ nhật. Vì kèo hiên cũng bằng sắt đỡ 4 đòn tay chữ nhật, 4 góc mái trang trí hình rồng, cá hóa long và các vân xoắn. Tuy làm bằng các loại vật liệu sắt, gạch, xi-măng nhưng bề ngoài hai bên Tả, Hữu Tùng tự vẫn mang dáng dấp của những ngôi nhà cổ xưa ở Huế. Phía sau hai nhà Tả, Hữu Tùng tự là hàng rào sắt bao quanh lăng, ở khoảng giữa tường lan can này có trổ 1 cửa hông nhỏ hai bên bổ trụ vuông, đỉnh trụ đắp hình nụ sen bằng vôi vữa. Cửa có chiều rộng là 86cm, đóng khép bằng một cánh cửa sắt.
Từ sân Tả, Hữu Tùng tự dẫn lên Bái đình là hệ thống 29 bậc cấp xây gạch trát vữa chia thành 3 lối đi. Thành bậc đắp 4 con rồng giống như 4 con rồng ở hệ thống bậc cấp lên cửa lăng nhưng 2 chân trước của các con rồng này không giữ quả cầu.
Lên hết 29 bậc cấp ta đi tới Bái Đình, đây là một sân rộng lát gạch carô, bó nền là đá hộc xây theo kiểu tổ ong lục giác. Sân hình chữ nhật, có diện tích là 40,5m x 47m. Mặt trước sân là tường bao gạch hoa đúc rỗng hình triện. Chính giữa tường là nghi môn đắp vôi vữa chia 3 lối vào có bề rộng tương ứng với 3 lối đi lên của bậc cấp. Cột nghi môn, đình xây kiểu hình tháp đội quả cầu tròn có những vân xoắn nổi hình rồng cuốn bằng vôi vữa. Đế cột đắp vuông giật cấp, 4 mặt đế là 4 ô hộc trang trí những trái cây mang ý nghĩa cầu phúc. Hai cột ở giữa nối với nhau bằng một chương có hai dải chia thành nhiều ô hộc. Mặt chương đắp nổi chữ thọ, đình chương đắp nổi “lưỡng long chầu nhật”. Mặt trời được đặt trên đế mây cụm xoắn. Phần chương nối cột của 2 cửa 2 bên chỉ trang trí mây cụm đỡ mặt trời đang bốc các đao lửa.
Hai bên sân thiết trí mỗi bên hai hàng tượng, hàng trước có 2 tượng quan văn, 2 tượng quan võ, hai hàng sau gồm 4 tượng lính, 1 voi và 1 ngựa đều được làm bằng đá thể hiện theo kiểu chân dung tả thực.
Hệ thống dãy tượng quan văn chạm trổ, mô phỏng rất sống động và đầy tính rất chân thực theo tỷ lệ của các quan lại ngày xưa. Các quan văn trong hình dáng mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn, râu dài xuống ngực, hai tay cầm hốt. Ngực áo chạm mặt hổ phù. Vạt áo trước trang trí đôi thần qui đội hòm sách chầu vào tam sơn với các đao nhọn tỏa ra chung quanh. Vạt áo sau là đôi long mã chầu vào tam sơn giống vạt áo trước. Gấu áo trang trí văn thuỷ ba, mây xoắn. Tay áo chạm đôi phượng giang cánh chầu vào, nếp áo lõm cong hình xoắn, vạt áo lượn hình sóng.
Hệ thống dãy tượng quan võ được mô tả trong hình dáng mặc áo thụng như quan văn nhưng tay áo chẽn bó sát cánh tay, một tay đỡ đốc kiếm, một tay áp sát bụng đỡ bao kiếm đặt tỳ lên vai. Mũ tượng cuộn thành búi tròn trên đỉnh. Ngực áo chạm mặt rồng ngang, thân rồng uốn qua vai xuống lưng áo, đuôi rồng vắt qua vai áo bên kia. Phía dưới của hai bên vạt áo trước là 2 con cá chép đang ngoi lên chầu vào tam sơn kép hai tầng, ngay trên cá chép là đôi rồng nhỏ. Vạt áo sau cũng trang trí như vạt áo trước. Gấu áo trang trí văn thuỷ ba.
Đối với 4 tượng lính, các tượng này mặc áo chẽn thắt lưng, chân đất, đầu đội nón chóp, hai tay ôm trước bụng để cầm cờ. Áo cổ chéo hình lá sen, cúc cài một hàng trước ngực, tay áo chẽn gấu nổi, vạt áo trước mở thành hai ô có nẹp.
Tượng voi được thể hiện khá thực, có một số chi tiết khác tượng voi ở các lăng khác đó là vòi để thẳng sát nền, đuôi không có thanh ngang kéo lên mà thả lỏng xuống, bụng bằng. Bành voi là khối đá liền thân không đục thành ghế ngồi, được trang trí bát bửu ở cả 4 mặt. Yếm ngực voi cũng thẳng xuống, giữa chạm nổi lưỡng long chầu nhật, lòng mặt trời được thể hiện vân xoắn kiểu âm dương đang bốc các đao lửa. Áo yên chạm mặt hổ phù, phía trên mặt hổ phù là đôi long mã chầu vào. Chính giữa yếm hông cũng chạm mặt hổ phù, trên mặt hổ phù là đôi rồng ẩn trong mây cùng vờn quả cầu đang bốc 4 ngọn lửa. Treo dưới yếm hông và yếm ngực là một hàng kim tòng xếp đều nhau, mông chạm mặt hổ phù.
Tượng ngựa có kích thước hơi nhỏ hơn so với ngựa thật, được chạm trổ công phu tỉ mỷ. Vòng quanh cổ ngựa là 1 vòng dây cương to bản đeo 3 hàng lục lạc. Dây cương được kết ở lưng và tỏa sang hai bên, mỗi bên 3 dải chảy xuống, đầu dải kết kim tòng. Riêng phần sau yên ngựa là 4 dải với 4 kim tòng. Mặt dây cương trang trí các bông hoa 4 cánh chia hai loại, loại cánh tròn, loại cánh nhọn. Yếm ngựa hình lá xoài giữa chạm bát bửu và triện gấm chữ vạn. Dưới riềm yếm trang trí hàng kim tòng nhỏ. Áo yên hình tròn, chính giữa chạm mặt hổ phù, phía trên chạm chữ vạn có dơi chầu, riềm áo là các bông cúc mãn khai trên nền hoa văn chữ vạn xen với bát bửu. Trên áo yên là yên ngựa hình bầu dục nổi cao, mặt yên chạm hổ phù, riềm yên là hồi văn chạm chữ triện. Yếm hông trang trí giống yếm ngựa với các kim tòng chảy đều xuống dưới. Phía sau tượng là 4 bồn hoa vuông xây gạch trát vữa nằm cách đều nhau theo hàng dọc.
Chính giữa Bái đình, nằm sát tầng sân trên của lăng là tòa Bi đình hình bát giác dựng bằng bê tông cốt sắt, nền được lát đá cẩm thạch. Phần nền phía ngoài lát gạch ca rô, mái lợp ngói ardoise chia làm hai tầng. Bao quanh nhà bia là tường lan can hình bát giác, một mặt tường kín nằm cạnh một mặt mở một lối vào, hai bên trổ hai cửa trụ tròn đặt trên đế vuông. Các góc tường cũng được bổ trụ như vậy. Phần trụ tròn được đắp nổi hình rồng. Phần đế vuông trang trí các chữ thọ và chữ vạn cách điệu thể hiện theo kiểu chữ triện. Nối trụ tròn với đế vuông là một dấu vuông thót đáy, xung quanh trang trí hình lá cách điệu. Dẫn lên Bi đình là 3 bậc cấp, thành bậc đầu có rồng chầu đắp bằng vôi vữa. Nhà bia được chia hai tầng mái. Bờ nóc đắp hình mặt trời, hổ phù và hình rồng. Phần tường bao quanh 4 phía trổ 4 cửa vòm để ra vào, phần tường còn lại phía trên đắp nổi hổ phù hai bên có dơi chầu. Các góc tường bổ trụ tròn đắp nổi hình rồng. Trong lòng nhà có 4 trụ bát giác đỡ phần trần. Chính giữa nhà là tấm bia bằng đá Thanh đặt trên hai cấp nền xi-măng. Bia chỉ khắc chữ ở mặt trước và được trang trí như bia ở các lăng khác. Bia có chiều cao 3,10m; rộng 1,20m, bệ bia cao 0,76m; rộng 0,85m; dài 2,1m. được chia làm hai phần. Phần trên hình vỏ măng trang trí bát bửu xen giữa hồi văn chữ triện, phần dưới chạm mặt hổ phù, 4 góc chạm thao thiết.
Hai bên góc trong Bái đình dựng hai trụ biểu bằng bê tông cốt sắt, phần nền vuông có kích thước 3,70m x 3,70m. Bao quanh trụ biểu là tường lan can 4 góc bổ trụ vuông, đỉnh trụ là 2 đấu vuông thớt đáy úp chồng lên nhau. Phần giữa hàng lan can 4 mặt đều trổ cửa dẫn vào trụ biểu với 6 bậc cấp lên xuống có lân chầu ở hai bên phía trước và sau. Hai bên lối vào cũng bổ trụ vuông, các trụ đều trang trí bát bửu. Đế trụ vuông mở rộng hơn thân trụ và chia làm hai phần, phần dưới rộng hơn xung quanh trang trí hai lớp vân xoắn và hoa cúc cách điệu bao quanh khung hình chữ nhật, phần trên là các ô lõm hình bầu dục. Bốn góc đế bổ trụ vuông, đỉnh hình tháp nhọn đầu chia làm nhiều tầng. Trên đế là thân trụ, 4 góc có bổ trụ tròn có các đường xoi bao quanh. Phía trên thân trụ trang trí hoa lá xen với các vân xoắn. Mặt thân trụ ở trên là một bông hoa lớn kết hình mặt hổ phù, viền hai bên là những dải lá cách điệu. Phần giữa mặt thân trụ để trơn có đắp các gờ nổi. Phía dưới của thân trụ có đắp các sóng song hàng. Trên thân trụ là tầng vuông có lan can bao quanh, 4 góc bổ 4 trụ tròn, có nhiều rãnh ăn sâu vào trụ tròn. Mỗi mặt lan can đều mở 3 cửa giống kiểu khám thờ. Trên tầng này là một hàng hoa lá đắp nổi đỡ mặt hổ phù phía trên với 4 góc là 4 con giao. Nằm trên mặt hổ phù là một tháp chuông 4 tầng. Tầng dưới cùng thiết trí với các chỉ chìm trang trí. Tầng thứ hai chính giữa mỗi mặt là một chùm nho rủ xuống, xung quanh đắp nổi hoa lá. Tầng thứ 3 chính giữa mỗi mặt là đôi rồng chầu vào giữa, các góc trang trí các con giao chạy ra. Tầng trên cùng các mặt đắp nổi chữ Thọ, phía trên là các vân xoắn loe ra như mái nhà. Trên tầng này là đỉnh trụ biểu hình tháp tròn nhọn mũi chia làm 6 tầng ngăn cách nhau bằng một đường gờ. Các mặt trụ đều được quét vôi màu xám giả đá.
Tiếp theo Bái đình là 3 tầng sân nền lát gạch carô trắng dẫn lên cung Thiên Định. Tầng sân dưới rộng 47m, dài 12,50m, bó nền bằng đá hộc trang trí hoa văn tổ ong. Tầng sân này ngăn cách với Bái đình bằng hàng lan can gạch trát vữa xoi thủng hình triện có trổ lối lên ở hai bên với 13 bậc cấp lên xuống. Thành hai bên bậc cấp đắp rồng chầu bằng vôi vữa. Riêng phần lan can nằm phía sau nhà bia được thể hiện thành một bình phong lớn có đế làm theo kiểu hình sập chân quỳ. Mặt bình phong để trơn, phần viền quanh trang trí bát bửu, hoa lá, hồi văn chữ triện. Trước bình phong là bể trồng hoa xây gạch trát vữa hình chữ nhật. Phần dưới bể cũng được xây kiểu sập chân quỳ, các mặt bể được đắp mặt hổ phù. Hai bên sân thiết trí những bồn hoa xây đối xứng nhau.
Từ tầng sân dưới qua 13 bậc cấp với 3 lối đi là tới tầng sân thứ 2 có chiều rộng 47m, dài 9,50m. Hai bên thành có các lối lên đều có rồng chầu. Phía hai bên sân cũng có các bồn hoa như tầng sân phía dưới. Hai góc sân phía trong thiết trí hai cột cờ. Tầng sân thứ 2 qua 13 bậc cấp chia 3 lối lên là tới tầng sân trên cùng có kích thước dài 8,90m, rộng 47m không trang trí. Hai mặt hàng rào chắn song ở hai bên, mỗi mặt mở một cửa hông để thông ra bên ngoài khu vực lăng. Cửa rộng 1,25m được đóng khép bằng hai cánh cửa sắt.
Cung Thiên Định là công trình kiến trúc lớn nhất trong khuôn viên lăng Khải Định. Trong khuôn tường hình chữ nhật chạy thoai thoải từ thấp đến cao, cung Thiên Định nằm ở phía cuối trục thần đạo nơi cao nhất của lăng Khải Định. Ngay trước mặt Thiên Định cung là 3 tầng sân nằm sau Bái đình. Hai bên hông và sau cung Thiên Định là một hệ thống hành lang ăn thông với nhau. Hành lang này được tạo thành bởi tường bao che của cung Thiên Định và hệ thống hàng rào chắn quanh lăng. Nền hành lang lát gạch carô rộng 6,20m. Tường bao che mặt trước cung Thiên Định, phía hai đầu tường gắn liền với hàng lan can gạch trát vữa nối hàng chắn song bao quanh lăng. Khoảng giữa của hàng lan can này trổ 1 lối đi với 13 bậc cấp thông vào hệ thống hành lang bao quanh cung Thiên Định. Thành hai bên bậc cấp đều có rồng chầu bằng gạch trát vữa.
Cung Thiên Định chia làm 5 phòng, hai bên Tả, Hữu trực phòng giữa là điện Khải Thành, Chính tẩm và hậu điện. Toàn bộ cung Thiên Định có kích thước dài 34,50m, rộng 26,40m. Nền nhà lát bằng đá Cẩm thạch, mặt trước bó vĩa bằng đá hộc trang trí kiểu tổ ong lục giác với 15 bậc cấp dẫn lên có rồng chầu ở hai bên thành. Hệ thống bậc cấp này có chiều rộng chạy suốt 3 gian giữa và không chia lối lên.
Toàn bộ tường nhà được đúc bằng bê tông cốt sắt, chỉ trang trí ở mặt trước, 3 mặt còn lại để trơn. Tường hai bên hông mỗi bên mở 3 cửa ra vào được đóng khép bằng 4 cánh cửa gỗ. Mặt tường trước mở hai cửa sổ ở hai bê gian Tả, Hữu trực phòng, và mở 3 cửa ra vào ở 3 gian giữa, với cửa chính rộng 3,76m, hai bên rộng 2,97m. Các cửa đều được đóng khép bằng 4 cánh kiểu cửa bảng khoa nhưng phần dưới ghép ván chạm lá hóa long, phần trên lắp kính chia hai ngăn: ngăn trên một tấm kính, ngăn dưới 3 tấm kính. Hiện nay các tấm kính đã vỡ hỏng hết, thay vào đó là mica và lưới thép được làm trong các lần trùng tu sau này, nhưng cũng chỉ còn một vài tấm mà thôi, số còn lại đã hư hỏng. Ngoài các tấm kính là lớp sắt uốn theo hình hoa lá. Phần tường ngay phía trên cửa là vòm tròn giật sâu vào lòng nhà so với mái dưới đắp nổi hoa lá, trên đắp mặt hổ phù, hai bên có 2 con dơi ngậm kim tiền. Hai bên cửa là tường bao che được trang trí bằng hồi văn triện chữ vạn. Ba gian giữa được ngăn cách nhau bởi các trụ tròn nổi trên nền tường. Đế trụ vuông giật cấp ở các gờ nổi chung quanh, còn phần lõm ở giữa là chữ triện xoi thủng. Thân cột đắp nổi hình rồng cuốn. Đỉnh cột đắp búp sen đặt trên lồng đèn có các gờ nổi chạy quanh. Lòng lồng đèn trang trí đồ thờ, hoa quả thiêng, dưới chân lồng đèn đắp nổi hoa lá. Phần tường phía trên cửa đắp ô hộc nổi hai hàng chạy suốt 3 gian giữa, ô chính giữa gian giữa đắp 3 chữ Hán, phiên âm: “Thiên Định Cung”, dịch nghĩa: “Cung Thiên Định” . Ô giữa gian bên trái là 4 chữ, phiên âm: “Vĩ khí chí cương”, dịch nghĩa: “Phải có chí khí thật vững chắc”; ô gian giữa bên phải là 4 chữ, phiên âm: “Kỳ đức khắc hiển”, dịch nghĩa: “Sống có đạo lý sẽ được hiển vinh”.
Mặt trước của hai gian Tả, Hữu trực phòng được kiến trúc kiểu 2 tầng mái. Bờ nóc tầng trên trang trí lưỡng long chầu nhật. Các bờ dải đều có rồng chầu. Thân tầng này 4 góc đều có bổ trụ trang trí cây cối, bát bửu quanh thân trụ. Chính giữa tầng trên là một ô tròn, trong ô đắp nổi mặt hổ phù, ô chữ nhật lồng ngoài ô tròn trang trí hồi văn, các văn vuông lục giác. Đế tầng trên đắp nổi các cành nho, cúc. Tầng dưới các bờ dải cũng có rồng chầu. Thân tầng viền quanh là hồi văn chữ triện xoi thủng, giữa là các ô hộc đắp nổi, ô chính giữa phần dưới mái gian bên tả có 4 chữ: “Vi nhân do kỷ”, dịch nghĩa: “Sống có lòng yêu thương kẻ khác là do ở nơi mình”, ô giữa gian bên hữu là: “Dĩ lễ chế tâm”, dịch nghĩa: “Dùng lễ để giới hạn lòng ham muốn của mình”. Phần chân của tầng này thiết trí các ô hộc lõm sâu, trong đắp nổi lư hương, ống bút, ấm trà… Chương cửa là mặt hổ phù, hai bên có hai con dơi ngậm kim tiền, trên mặt chương cửa đắp nổi hoa lá cách điệu. Tường mặt trước của hai gian này cũng được trang trí giống 3 gian giữa. Chính giữa tường trổ cửa sổ lớn. Hai bên cửa bổ trụ, mặt cột trụ thể hiện các câu đối theo chiều dọc.
Hai câu gian bên trái: Phiên âm: “Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.
Ức niên chung vượng khí, gian sơn trường hộ trừ tư”.
Dịch nghĩa: “Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh ở đây mở ra 1 vũ trụ biệt lập.
Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài
Hai câu gian bên phải: Phiên âm: “Phong cảnh vô biên, vạn trạng thần kỳ thiên tác hợp.
Giang sơn hữu chủ, thiên thu phúc ấm địa lưu dư”.
Dịch nghĩa: “Trong phong cảnh rộng mênh mông có nhiều hình trạng đẹp tuyệt vời do trời cho hợp lại.
Núi sông có chủ, ngàn năm ơn trạch của tổ tiên để lại cho con cháu ở dưới đất này rất nhiều”.
Hai cửa hai bên thông vào hàng lang cung Thiên Định làm kiểu một tầng mái. Chính giữa bờ nóc mái thiết trí bầu rượu với các vân xoắn bay từ miệng bầu rượu. Hai đầu bờ nóc là hồi long, bốn bờ dải đắp 4 con giao. Thân cửa phía trên là bức phù điêu đắp nổi hoa lá. Hai bên cửa sổ trụ trang trí cây cối như trúc, tùng. Hai bên góc cửa, chương cửa là dơi ngậm kim tiền. Vòm trên đỉnh là cung tròn trang trí nhiều tia dài ngắn đang bay lên.
Ba mặt tường bao che còn lại của cung Thiên Định để trơn không trang trí. Mặt tường hai bên hông, mỗi bên mở 3 cửa ra vào hình chữ nhật được đóng khép bằng 4 cánh cửa gỗ. Sau cung Thiên Định hai bên có 2 cầu thang lộ thiên dẫn lên tầng nền cao của hành lang phía sau.
Mái cung Thiên Định lợp ngói ardoise, nhưng do trận bão năm 1985, ngói bị hư nên hiện nay được đúc bằng xi măng. Chính giữa bờ nóc được đặt cột thu lôi, 2 đầu là hồi long. Bờ quyết 4 góc đắp 4 con rồng chầu.
Nội thất trong cung Thiên Định được chia làm 5 phòng, kích thước của các phòng này không đều nhau. Phía trên đều có trần nhà được đúc bằng bê tông cốt sắt rất vững chãi và chắc chắn.
Tả, Hữu trực phòng là 2 phòng nằm ở hai gian ngoài cùng của cung Thiên Định, đây là nơi ở của các cô phụng trực coi giữ lăng. Hai phòng này chạy dài từ mặt tường trước tới mặt tường sau của tòa nhà. Tả, Hữu trực phòng được kiến trúc và trang trí giống nhau, nền lát đá cẩm thạch có chiều rộng 9,0m; dài 26,40m. Trần nhà để trơn, tường được làm bằng xi măng giả đá cẩm thạch kéo dài từ nền lên đến trần. Tả, Hữu trực phòng được ngăn thành 3 phòng nhỏ, các phòng nhỏ này ăn thông nhau bằng những cửa hình chữ nhật.
Chân tường là băng ngang chạy quanh 4 mặt trang trí triện gấm chữ vạn xem với các ô chữ nhật, có hai đầu cong trong chạm rồng, ô nhỏ 1 con, ô lớn 2 con kiểu hồi long đối nhau. Phần tường phía trên băng ngang nằm xen giữa các cửa là các bức tranh bằng sành sứ ghép với nhiều đề tài khác nhau đứng dọc theo tường.
Nằm xen giữa 3 cửa ra vào ở mặt tường trước là 2 bộ tranh ghép mảnh sành sứ, mỗi bộ 3 bức có đề tài giống nhau với bố cục đăng đối nhau qua bộ cửa chính giữa dẫn vào Khải Thành điện. Hai bức tranh nằm sát hai bên cửa giữa thể hiện hai cây trúc nằm trên giả sơn. Phần gốc là một bụi trúc gồm nhiều cây lớn nhỏ, có thân chia nhiều đốt ghép bằng những mảnh thủy tinh màu nâu nhạt. Lá trúc nhọn đầu bằng các mảnh thủy tinh xanh nhạt. Trên mỗi bức tranh cây trúc, bức tranh nào cũng có hai câu thơ chữ Hán viết thành 4 hàng dọc theo bố cục chữ 3-4-3-4:
Phiên âm: Vị xuất địa thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã vô tâm
Tạm dịch: Lúc chưa nhú lên khỏi mặt đất đã có lóng (đốt) rồi.
Khi vươn cao lên đến tầng mây, vẫn không có ruột.
Hai câu này hàm ý chỉ tư cách thẳng thắn và sự tốt bụng của người quân tử.
Hai bức tranh nằm giữa của cả hai bộ tranh có đề tài tam sơn bát bửu. Hình tam sơn đắp nổi bằng các mảnh kính màu đen, có 2 tầng. Tầng dưới tam sơn đặt lọ hoa tròn đắp bằng sành sứ xanh và đen, miệng lọ hoa là bông cúc đắp bằng mảnh sành sứ trắng, bên cạnh là bông hoa màu đỏ có cành lá tỏa sang hai bên. Tầng trên tam sơn là lư hương ghép bằng các mảnh sứ màu nâu thẫm và hồng nhạt theo hình các vân xoắn với đỉnh nắp hình con lân ngậm dải tạo hình đao lửa. Cạnh lư hương là một độc bình loại lớn gắn bằng các mảnh sành sứ xanh, đen, đựng bát bửu. Phía trên bát bửu là ngũ phúc với hình 5 con dơi màu nâu thẫm bay trong mây cũng được ghép bằng các mảnh thuỷ tinh và sành sứ. Hai bức tranh ngoài cùng nằm sát 2 cửa hai bên dẫn vào Khải Thành điện thể hiện hai cây ngô đồng. Thân ngô đồng chia làm hai nhánh, một nhánh xuất phát từ gốc, nhánh kia đi vòng chỉ xuất hiện phần ngọn. Lá cây là lá chùm, gồm 3 mảnh thủy tinh xanh ghép lại. Xen giữa các chùm lá xanh là các chùm lá nâu nhạt và trắng đục. Trên tranh cũng có hai câu thơ viết thành 4 hàng dọc theo bố cục chữ 3-5-3-5.
Phiên âm: Ngô đồng minh kỷ vu bỉ cao cương
Phụng hoàng minh hỷ vu bỉ triêu dương
Tạm dịch: Cây ngô đồng mọc lên ở gò đất cao ấy.
Chim phụng hoàng hót vào buổi sớm mai ấy.
Thường chim phụng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng. Theo tích xưa chim phụng hoàng xuất hiện là báo có điềm lành. Hai câu thơ này có ý ca ngợi cảnh thái bình thịnh vượng.
Mặt tường phía sau, nằm xen giữa 3 cửa thông vào chính tẩm cũng là hai bộ tranh đứng dọc tường mỗi bộ gồm 3 bức tranh có bố cục đối nhau qua cửa chính giữa. Hai bức đứng sát hai bên cửa giữa thể hiện đề tài tùng lộc. Thân tùng gồm hai nhánh nhô lên từ một hòn giả sơn, với 1 nhánh xuất phát từ gốc và một nhánh đi vòng chỉ xuất hiện ở phần ngọn. Cả hai nhánh thân cây đều được gắn thủy tinh màu sẫm. Lá tùng thể hiện kiểu lá cụm, mọc đứng theo thân do nhiều mảnh thủy tinh nhỏ màu xanh đậm gắn thành. Dưới gốc tùng có hai con hươu đắp nổi bằng sành sứ. Trên tranh có 2 câu thơ chữ Hán viết theo bố cục 4-2-4.
Phiên âm: Kỷ kinh sương tuyết táo
Bất cải tuế hàn tâm
Tạm dịch: Trải qua năm tháng cùng sương tuyết
Dù rét căm vẫn chẳng đổi lòng.
Hai bức tranh ở giữa 2 bộ tranh giống nhau cũng thể hiện đề tài tam sơnbát bửu, gồm 1 tam sơn gắn nổi bằng thuỷ tinh màu đen chia 2 phần. Phần dưới tam sơn đặt nậm rượu và hòm sách. Phần trên tam sơn đặt mâm ngũ quả bên cạnh đó là bình lục giác đựng bát bửu có dải lụa xanh cuốn quanh thân bình. Trên bát bửu là đôi hạc trắng bay trong các cụm mây xanh và nâu thẫm.
Hai bức tranh đứng phía ngoài sát 2 cửa hai bên thông vào Chính tẩm là cây trúc bên trái và cây ngô đồng bên phải. Viền quanh mỗi bức tranh là những bông hoa và bát bửu trên nền triện nhiều màu.
Mặt tường hai bên nằm xen giữa 2 cửa thông ra Tả, Hữu trực phòng, mỗi bên cửa là một bộ tranh 4 bức có đề tài và bố cục đăng đối nhau. Như vậy 4 góc tường là 4 bộ tranh giống nhau có đề tài tứ thời tả cảnh 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Hai bức tranh nằm sát hai bên cửa thông ra Tả, Hữu trực phòng là cây mai tả cảnh mùa xuân. Gốc mai là một non bộ được làm bằng nhiều mảnh sứ có in hoa to và dày ghép lại. Thân mai gồm một cành chính bằng thủy tinh màu nâu thẫm nhô lên khỏi non bộ một đoạn thì có một cành con vòng qua đoạn uốn cong của thân chính. Trên các cành mai có những bông hoa lẻ tẻ hài hòa bên những cụm hoa do 2,3 hoa chồng lên nhau. Cánh hoa bằng sứ trắng hình bầu dục ghép lại, nhụy hoa là mảnh thủy tinh tròn màu hồng nhạt. Trên các cành mai có những con chim đậu, ở các tranh hoa mai đều có câu thơ chữ Hán viết theo bố cục chữ 3-2-2.
Phiên âm: Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm
Tạm dịch: Mấy cánh hoa mai giống như trái tim của trời đất.
Hai bức tranh phía trong nằm cạnh hoa mai là bức tranh mùa hạ được thể hiện bằng hoa sen. Dưới hoa sen là non bộ gồm những sóng hình núi do nhiều mảnh sử nhỏ màu xanh ghép lại. Giữa hai mảng sóng là một khoảng nước ở giữa có hai con vịt đang bơi, quanh vịt là những cụm rêu. Phần gốc sen chen với các cành sen là các loại cây dại được ghép bằng các mảnh thủy tinh xanh. Từ gốc cây nhô lên 8 cọng hoa, lá sen được ghép bằng thủy tinh màu xanh. Lá sen do các mảnh sứ, thủy tinh xanh, đỏ thẫm ghép lại với các xương lá bằng ximăng trắng nhạt. Hoa và búp sen do các mảnh sứ trắng ghép lại, gương sen do các mảnh thủy tinh xanh ghép lại theo hình cái loa, đầu hạt sen nhú lên làm bằng xi măng màu vàng. Hoa lá đều được sắp xếp hài hòa, vừa mắt. Trên hoa lá có hai con chim đậu đang quay đầu nhìn nhau. Các bức tranh hoa sen, bức nào cũng có câu thơ chữ Hán viết thành 3 hàng dọc theo bố cục 3-2-2.
Phiên âm: Thái diệp phong đầu ngọc tỉnh liên
Tạm dịch: Ngọn lá lớn trên đỉnh núi đó là cây sen bên giếng ngọc.
Kế bên bức tranh hoa sen là bức tranh của mùa thu với một cành hoa cúc. Mỗi cành cúc có hai nhánh lớn từ đó tỏa ra nhiều nhánh nhỏ. Hai cánh cúc, một nhánh nhô lên từ gốc, một nhánh đi vòng chỉ xuất hiện trong tranh ở phần ngọn nằm trên nhánh kia. Mỗi nhánh có 3, 4 bông hoa nở lớn xen với nhiều búp nhỏ bố trí theo cụm 3 hay theo hàng dọc. Bông cúc do nhiều mảnh sứ trắng gắn nổi lên trên đường. Nụ cúc gắn bằng một mảnh sứ xanh hình tròn hay bầu dục ghép úp vào tường. Các búp mới chớm nở gồm 3 mảnh sứ trắng ghép chụm vào nhau. Lá cúc là một mảnh sứ màu xanh. Trên các cành cúc có chim đậu. Hai bức tranh cúc nằm ở mặt tường, bên tả là 2 con chim đậu thân màu nâu sẫm, đuôi cánh màu xanh. Hai bức tranh cúc ở mặt tường ngăn với Hữu trục phòng có 2 con chim khổng tước có nhiều lớp lông, đuôi trắng dài vút lên trên. Trên các bức tranh cúc có hai câu thơ chữ Hán viết thành 3 hàng dọc theo bố cục 4-2-4.
Phiên âm: Thiên hạ vô song phẩm
Nhân gian đệ nhất hương.
Tạm dịch: Phẩm chất vô song miền hạ giới.
Hương thơm số một giữa trần gian.
Mùa đông là bức tranh một cành liễu nằm ở trong cùng. Bức tranh này không nằm ở mặt hai bên mà nằm lấn sang phần tường 4 góc của mặt tường sau và trước. Non bộ dưới gốc liễu là các mảnh sứ trắng có hoa đắp nổi trên tường. Thân liễu làm bằng thủy tinh màu nâu thẫm có hai cành lớn, một cành nhô lên từ gốc, một cành chỉ xuất hiện ở khung phần ngọn. Các cành liễu cũng được ghép bằng thủy tinh màu nâu sẫm. Lá liễu là một chùm gắn với nhau bằng nhiều mảnh thủy tinh nhỏ, dài và ngọn màu xanh, các chùm lá đều rũ xuống. Lá liễu được bố trí theo chùm 3,4 hay 2 lá nằm ở những phần rất hài hòa. Trên mỗi bức tranh liễu đều có hai câu thơ chữ Hán viết thành 3 hàng dọc, theo bố cục 4-2-4.
Phiên âm: Liệt tú phân long ảnh
Phương trì tả phụng văn
Tạm dịch: Các vì sao được phân bố ra giống hình ảnh con rồng.
Cái ao thơm phô bày ra vẻ đẹp của con phụng.
Các bức tranh tứ thời này không chỉ đối nhau qua cửa thông ra Tả, Hữu trực phòng mà hai bộ tranh của mặt tường bên này còn đăng đối với hai bộ tranh của mặt tường bên kia. Tất cả các bức tranh đều được bố trí theo chiều dọc, cao gần bằng chiều cao của các cửa ra vào. Nền của các bức tranh là những mảnh kính trắng gắn trên nền vữa màu hồng ngả vàng, tranh đều có khung viền nổi bằng các mảnh thủy tinh màu nâu thẫm. Mỗi khung có hai đường viền cách nhau 0,075m. Giữa hai đường viền ấy là khoảng không kính trắng gắn trên vữa hồng. Phần khung hoa phía trong rộng 0,33m, khung tranh cây liễu hẹp hơn 0,31m.
Phần tường ngay trên các cửa đều có ô hộc, mỗi cửa 3 ô, ô chữ nhật nằm giữa đắp nổi các tam sơn trên đặt các thứ đồ thờ như lư hương, đỉnh trầm, dĩa hoa quả, lọ hoa, bông cúc, quạt thờ và có chỗ là một cái đồng hồ báo thức. Hai ô vuông nằm cạnh ô chữ nhật trang trí các chữ Phúc kiểu triện ở hai cửa thông qua Tả, Hữu Trực phòng, chữ vạn ở các cửa hai bên dẫn vào Khải Thành điện và thông với chính tẩm, chữ Thọ ở hai cửa chính giữa vào điện và chính tẩm. Ngay trên các ô hộc này và cũng là trên các bức tranh đứng dọc tường có đường gờ nổi chạy ngang 4 mặt để ngăn cách các bức tranh phía dưới, với dải ô hộc trang trí bên trên. Phần dưới gờ nổi là những hồi văn chữ S màu trắng gãy góc nằm nối với nhau, phần trên là vỏ măng gắn cánh sen ngã ba phía ngoài.
Phần tường nằm giữa đường gờ nổi và trần nhà là 2 dải ngang chia ô gồm các ô chữ nhật xen với các ô vuông. Mặt trước và sau dải dưới gồm 9 ô vuông, 8 ô chữ nhật; dải trên gồm 9 ô chữ nhật, 8 ô vuông. Hai bên dải trên gồm 3 ô chữ nhật, 4 ô vuông; dải dưới gồm 4 ô chữ nhật, 3 ô vuông. Đề tài trang trí các ô vuông là bát bửu, các ô chữ nhật thể hiện cảnh thiên nhiên. Hình ảnh được trang trí nhiều nhất là một mỏm núi đá, trên có cành hoa chim đậu hay thú chạy. Hình ảnh trong các ô thường được đắp nổi bằng sành sứ nhiều màu theo nguyên tắc đối nhau về đề tài và màu sắc.
Chuyển tiếp giữa tường và trần nhà là 3 dải ngang của gờ vỏ măng với dải dưới là hàng riềm lá xoài, dải giữa trang trí hoa chanh và hoa thị được ngăn ra bởi các ô dài, ngắn xen nhau. Phía trong ô ngắn là các hoa quả quý, trong ô dài là bát bửu. Dải trên cùng thể hiện ở mặt đứng như hằng riềm lá xoài phía dưới là hàng hồi văn triện chữ Đinh. Phần sát trần đường gờ hơi cong ngửa ra theo hình lòng máng, trên đắp nổi những bó hoa lá cách điệu xếp cạnh nhau.
Bước qua 3 cửa mặt tường sau của điện Khải Thành là phần chính tẩm, nơi đặt thi hài vua Khải Định. Đây là căn phòng hình chữ nhật có kích thước rộng 16m; dài 8,92m, nền lát đá hoa, trần vẽ cửu long ẩn vân. Mặt tường chính tẩm phía trước chung với tường sau của điện Khải Thành có 3 cửa ra vào. Hai mặt tường hai bên, mỗi mặt mở một cửa sổ ở lưng chừng. Mặt tường phía sau mở một lối vào ở chính giữa, hai bên có hai hệ thống lên xuống với 8 bậc cấp. Tường quanh chính tẩm chia 2 phần. Phần dưới từ mặt nền lên 1,70m xây ngang giữa các ô có chiều dài không đều nhau. Chính giữa ô là hình chữ nhật nổi, trên gắn chữ Thọ kiểu triện bằng thủy tinh tím. Hai bên chữ là 2 con giao đắp nổi nhiều màu đang chầu vào, 4 góc ô là 4 bó hoa cách điệu. Viền quanh các ô là hồi văn chữ T và chữ X xen đều nhau. Phần nổi lòng ô và gờ nổi ngoài ô thể hiện kiểu các lá ngửa gần như lá xoài. Mặt cửa gờ nổi trang trí này chạy suốt phần dưới 4 phần bức tường quanh chính tẩm. Phía trên phần tường xây ngang này mở ra các cửa lớn, 3 cửa mặt trước sau, một cửa sổ ở mỗi mặt hai bên. Phần tường trên của 3 cửa phía trước là chương cửa chia ra hai phần. Phần trên trang trí lưỡng long chầu nhật, phần dưới, sát cánh cửa là 3 đôi phụng cách điệu chầu vào chữ vạn thọ kiểu triện. Phần tường nổi dưới tới chân các cửa sổ hai bên và các cửa sổ phía sau là ô tròn xoi thủng gắn chữ thọ bằng xi-măng trên nền triện xanh. Chương các cửa này cũng là lưỡng long chầu nhật với đao lửa bay lên phía trên mặt trời. Nối các cửa với những trụ vuông đứng hai bên cửa, cạnh 2 trụ vuông là 2 trụ tròn và nằm giữa 2 trụ tròn là một khung đứng dọc cột thể hiện các câu đối chữ Hán. Đế trụ vuông là các ô tổ ong hình lục lăng, giữa mỗi ô gắn nổi một bông hoa cánh trắng nhụy hồng. Thân trụ vuông là các đường xoi trắng xen lẫn với các đường nổi đen đều nhau. Đỉnh trụ vuông lớn hơn thân trụ trang trí các cành hoa trên nền triện hoa chanh. Trụ tròn có đế là khối tròn dẹt nằm trên khối vuông trang trí hoa lá đắp nổi bằng sành sứ. Thân trụ tròn thể hiện hình rồng cuốn quanh. Đỉnh trụ là đấu vuông có nhiều cánh nổi tỏa lên phía trên. Phần tường nằm giữa hai trụ tròn là các câu đối theo chiều dọc, mỗi vách 2 câu, 4 mặt 8 câu:
– Hai vách trước:
Phiên âm: Cung lục- ngự chế
Giang củng sơn triều, ức vẹn tư niên linh thắng địa.
Hoa hoàn thủy nhiễu, tam thiên thế giới uất lam thiên
Tạm dịch: Kính cẩn viết lại (câu đối) vua làm
Sông núi chầu về, ngàn vạn năm ở vùng đất linh thiêng đẹp đẽ
Hoa vây nước bọc, ba ngàn thế giới trời đầy một vẽ xanh tươi.
– Hai câu ở vách sau:
Phiên âm: Cung lục-ngự chế
Sơn thủy đối triều, hữu thiên hạ độc tôn chi thể
Thái bàn vĩnh điện, kiến vạn niên bất dạt chi cơ
Tạm dịch: Kính cẩn viết lại (câu đối) vua làm
Sông núi chầu vào, có vị thế độc tôn trong thiên hạ
Vững vàng như bàn thạch, dựng xây lăng tẩm để muôn năm- Hai câu ở vách trái:
Phiên âm: Cung lục- ngự chế
Trúc vu tư nam sơn chi thọ tùng bách chi mậu
Kiến hữu cực địa duy dĩ lập thiên trụ dĩ tôn
Tạm dịch: Cung kính chép lại (câu đối) vua làm
Xây ở vùng núi phía Nam này tồn tại lâu dài, cây tùng cây bách đều xanh
Dựng tại vùng núi xa xôi này, dựng cột cao lên trời để được tôn qúy.
– Hai câu ở vách phải
Phiên âm: Cung lục- ngự chế
Tín mỹ tai đại địa giang sơn trường chung vương khí
Vĩnh điện thử ức niên bàn thái khải hựu hậu nhân
Tạm dịch: Kính cẩn viết lại (câu đối) vua làm
Ở nơi vùng đất lớn đáng tin cậy và đẹp đẽ này, sông núi mãi mãi hun đúc nên khí vận hưng thịnh.
Vững bền mãi mãi, vùng núi đá chắc chắn ức muôn năm này sẽ mở ra những điều tốt đẹp để giúp cho người sau.
Chính giữa nhà chính tẩm là tượng vua Khải Định đúc bằng đồng mạ vàng đang ngồi trên ngai vàng. Tượng được đặt trên 3 tầng cấp bằng xi măng. Trên tượng là bửu tán bằng xi-măng cốt sắt nặng 1 tấn, ngoài ghép sành sứ được treo trên trần trông rất đẹp mắt. Ngay dưới tượng, sâu dưới 8m là mộ vua Khải Định. Quanh tường đặt một số vòng hoa bằng thiếc dát mỏng của người Pháp đi điếu vua Khải Định năm 1925.
Gian thờ vua Khải Định là phòng trong cùng nằm ngay sau chính tẩm và cao hơn nền chính tẩm 1,70m. Đây là căn phòng chữ nhật có chiều rộng 16m; dài 7,55m. Nền nhà lát đá hoa, trần vẽ cửu long ẩn vân. Mặt tường trước mở ba cửa nhìn ra chính tẩm, nhưng hai cửa hai bên không có lối lên, cửa giữa trổ bậc cấp xuống hai phía, mỗi phía 8 bậc. Mặt tường hai bên, mỗi bên trổ một cửa thông với Tả, Hữu trực phòng, có bậc cấp lên xuống. Tường mặt sau trổ hai cửa sổ nhỏ ở hai bên nằm gần sát trần nhà.
Hệ thống tường bao quanh gian thờ chia 2 phần. Phần dưới từ mặt nền lên trên 0,70m, trang trí ô hình lục lăng dạng tổ ong, giữa mỗi ô có một bông hoa cánh trắng nhụy hồng. Phần tường trên tới sát trần trang trí hồi văn triện chữ Vạn, xen vào đó là các chữ Thọ tròn cách điệu nằm cách đều khắp 4 mặt tường. Tường trên các cửa ở mặt tường đắp một mặt hổ phù lớn. Các phần nối nhau giữa các cửa trên tường đều được thể hiện tam sơn đắp nổi, trên tam sơn đặt lư hương, bình hoa, bát bửu… và nhiều đồ thờ khác. Ứng với mỗi tam sơn phía trên là mặt hổ phù. Nối giữa tam sơn và mặt hổ phù là bình hoa có thân làm bằng các đường gờ nổi hình chữ thọ cách điện.
Giữa gian thờ phía trước đặt bàn thờ bằng bê tông ngoài ghép sành sứ, phía sau bàn thờ đặt khám thờ cũng bằng bê tông ngoài ghép sành sứ. Hai bên khám thờ đặt 2 tủ kính móc áo lúc sinh thời của vua Khải Định.
Ngoài đám tang của vua Khải Định năm 1925, đây là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng vào dịp kỵ giỗ nhà vua, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ vì lễ chính thường được tổ chức tại Thế Miếu (trước 1945) hoặc sau này là tại phủ thờ của con cháu vua Khải Định. Hiện nay, Nguyễn Phúc Tộc thường tổ chức lễ hiệp kỵ các vua Nguyễn vào ngày 19 tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm.
So với sáu khu lăng khác của các vua nhà Nguyễn, lăng vua Khải Định là lăng được hoàn thành sau cùng (1931), với mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất. Với một số công trình kiến trúc cùng thời, lăng vua Khải Định cũng đã được thực hiện theo một kiểu thức mới, hợp sở thích của nhà vua. Toàn bộ lăng đều được xây dựng bằng bê tông cốt sắt, số lượng gỗ dùng ở đây không đáng kể. Đặc điểm nổi bật nhất ở lăng Khải Định là kiến trúc pha trộn nửa Âu, nửa Á, đánh dấu một giai đoạn kiến trúc cách tân trong lịch sử mỹ thuật kiến trúc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Thoạt nhìn, lăng vua Khải Định giống như một tòa lâu đài cổ ở châu Âu vì được kiến trúc bằng bê tông trên một sườn núi. Các vật liệu truyền thống của Việt Nam như gỗ, đá gạch, vôi được dùng ở đây với số lượng không đáng kể. Những cánh cửa sắt, gạch carô, ngói ardoise, cột thu lôi, hệ thống đèn điện đều là hàng nhập ngoại, phản ánh phong cách kiến trúc phương Tây. Sự loại bỏ màu xanh của lá cây cổ thụ, sự vắng bóng của mặt nước ao hồ, bể cạn trong lăng làm cho tổng thể kiến trúc từ bậc cấp thứ nhất tới bậc cấp 127 cuối cùng thiếu đi sự êm dịu, tươi mát vốn được coi là nét đặc trưng của lăng tẩm triều Nguyễn.
Tuy nhiên, bên cạnh nét Tây phương, lăng vua Khải Định vẫn tuân thủ nguyên tắc phong thủy địa lý theo quan niệm truyền thống của các vị vua tiền nhiệm. Tại đây có đầy đủ các bộ phận chủ yếu của bất cứ lăng nào ở Huế nói riêng, ở Việt Nam, Trung Hoa nói chung. Tất cả núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều được dùng làm các yếu tố phong thủy địa lý như: 2 dãy núi Chóp Vung, Kim Sơn chầu vào phía trước trong tư thế “tả long hữu hổ”, trước mặt lăng có dòng nước chảy từ tả qua hữu (hói Châu Ê) đóng vai trò “minh đường”. Các yếu tố ấy đã bù đắp cho vẻ khô khan, đồ sộ của lăng Khải Định tạo nên một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, tôn thêm vẻ đẹp độc đáo cho lăng Khải Định. Nhưng giá trị nghệ thuật cao nhất ở lăng này là phần trang trí nội thất cung Thiên Định, công trình kiến trúc chính của lăng.
Về mặt hội họa, ở các mặt tường và trần của Tả, Hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu sẫm để vẽ lên xi măng giả đá cẩm thạch trông giống như thật. Những bức họa “cửu long ẩn vân” với diện tích hàng chục mét vuông trên trần, 3 phòng giữa của cung Thiên Định được các họa sĩ Việt Nam hiện đại công nhận là những bức họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội họa nước ta đầu thế kỷ XX.
Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự tọa, các nghệ nhân bậc thầy ấy đã tạo ra được cho người xem cái ảo giác nó rất nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Ở một số panô thể hiện một số cây cối, lá hoa, khách tham quan có cảm tưởng như đang thấy gió thổi tre nghiêng, mưa rơi liễu rũ… Trong một số ô hộc khác có thú vật như đang chạy nhảy trên núi đồi, đồng cỏ, những đôi chim như đang bay lượn vùng vẫy giữa không gian.
Ngoài những chữ “phúc” ở đây còn trang trí hàng trăm chữ “thọ” và “vạn thọ” được cách điệu bằng hàng chục hình thức khác nhau: hình tròn, chữ nhật, vuông, thuẫn, hình cái lư, lồng đèn… Thọ nghĩa là sống lâu, sống mãi, nói lên quan niệm “sống gửi thác về” của các vua nhà Nguyễn. Theo họ, lăng tẩm không phải chỉ là nơi chôn người chết mà còn là nơi họ sống muôn thuở ở thế giới bên kia. Sau lưng ngai vàng vua Khải Định ngồi còn có mô hình mặt trời lặn. Theo quan niệm Đông phương, vua cao cả như mặt trời. Hình ảnh mặt trời lặn biểu thị nhà vua băng hà.
Với óc thông minh sáng tạo, với tính nhẫn nại cần cù, với tay nghề tài hoạ, người thợ thủ công Việt Nam thời Khải Định đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật đương thời bằng nghệ thuật đắp phù điêu sành sứ cực kỳ tinh xảo, vô cùng độc đáo và hết sức hấp dẫn. Với tượng đồng bia đá, với cung Thiên Định giống như một viện bảo tàng, với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, lăng vua Khải Định là một bộ tác phẩm mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim cổ đông tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời và đánh dấu giai đoạn giao thời giữa hai nền văn hóa Á, Âu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Các Nhà Nghiên Cứu Và Độc Giả Đề Nghị Ngưng Ngay Việc Xây Dựng Bãi Đỗ Xe Bên Trái Trước Lăng Khải Định
1. Trần Viết Ngạc
Tôi đề nghị họp hội đồng tham vấn của TT để lấy ý kiến,gửi lên bộ VHTT&DL,UB Unessco VN, UBND chúng tôi không mời thì một số thành viên đứng ra triệu tập. Cuối cùng là các trí thức ở Huế, các nhà nghiên cứu ở Huế cần lên tiếng nếu đồng ý với phản biện của anh Xuân… Việc ủi một ngôi mộ với toàn bộ kiến trúc và cả bia để ở lăng Tự Đức làm bdx mà không bị truy tố..thì quả là không “nơi nào có được”!
2. Đặng Nhật Minh Đạo diễn dangnhatminh93@
Tôi đã theo dõi trên báo mạng vụ này. Rất đồng tình với sự phản biện của anh. Cám ơn anh rất nhiều.
3. Nhật Minh Đặng (8:20 AM (5 hours ago))
Hết chuyện Lăng Tự Đức bị xâm hại nay đến lăng Khải Định. Tôi ở xa nghe mà buồn quá. May còn có anh ở trong đó để theo rõi và lên tiếng. Tôi cho nguyên do đều xuất phát từ đồng tiền cả. Có lần tôi phát biểu trong một bài trả lời phỏng vấn : Ở đâu đồng tiền ngự trị, ở đó tan nát. Có tiền người ta có thể điều khiển được mọi chuyện và chấp nhận mọi chuyện. Mong anh giữ gìn sưc khỏe để còn tiếp tục bảo vệ Huế.
Thân ái
Đặng Nhật Minh
4. Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh vinhhoviet@ – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tồn và thích ứng là phương thức chúng ta sẽ áp dụng trong trường hợp này. Việc bổ sung chức năng khu đón trả khách & bãi đậu xe là cần thiết cho việc tham quan của du khách. Tuy nhiên, vị trí đặt và hình thức công trình tuyệt đối không làm biến đổi đến tính toàn thể (uniqueness) của di sản. Khuôn viên Lăng Khải Định và không gian xung quanh trong tầm nhìn thị giác là một cấu trúc tương hỗ, do vậy việc tạo nên một bãi đỗ trống phía trước Lăng với màu sắc và tiếng động sẽ ảnh hưởng đến vẻ trầm mặc, trang nghiêm là nơi yên nghỉ nghìn thu của vị Hoàng đế. Chính vì vậy việc chọn lựa vị trí xây dựng và hình thức công trình nên được tham vấn của các chuyên gia chuyên ngành có kinh nghiệm thực tiễn để tránh những tác động xấu không đáng có cho Di sản Quốc gia và Thế giới.
5. Vinh Ho Viet (7:50 AM (6 hours ago))
Góp thêm ý kiến về lựa chọn vị trí bãi đậu xe khách tham quan lăng Khải Định:
Lăng tẩm các vị vua đóng vai trò rất quan trọng hình thành giá trị di sản văn hoá Huế, cái đã được Unesco vinh danh Di sản văn hoá Thế giới. Cũng từ đó vai trò và vị thế của Đô thị Huế được nâng tầm trở thành Thành phố Festival văn hoá được thừa nhận trong và ngoài nước. Trong khi một số công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế đang xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích thì các Lăng tẩm vẫn là nơi “an giấc nghìn thu” của các vị vua nhà Nguyễn. Đây là một điểm khác lạ của quần thể di sản Cố đô. Chính vì lẽ đó mà tất cả những tác động đến sự toàn vẹn của di sản cũng cần sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là thiết lập một bãi đậu trả khách ngay trước mặt Lăng – vốn không có từ trước. Quan sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy một số tác động xấu do bãi đỗ xe tạo nên như: tiếng ồn do động cơ; tiếng ồn do cãi vả mua bán và chèo kéo khách; hình ảnh và màu sắc không đồng điệu; Tỉ lệ diện tích bãi đỗ xe trống quá lớn so với các thành phần cấu thành di tích. Tất cả những tác động này đối với chúng ta có thể thấy bình thường nhưng dưới nhãn quan của khách tham quan sẽ trở nên khó chịu, bởi đây là nơi tôn nghiêm trầm mặc. Với những lý do đó tôi xin kiến nghị một số gợi ý sau:
1. Lựa chọn vị trí bãi đậu trả khách trong khoảng cách từ 200m-400m (khoảng cách có thể tiếp cận bằng đi bộ-walkable area): xe khách đón trả khách phía trước cổng Lăng sau đó quay về bãi đỗ để chờ nhận lệnh quay lại rước từ nhân viên điều hành tại cổng. Từ bãi đỗ hình thành đường đi bộ dưới tán cây để du khách có thể thiền đi đến Lăng và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cảnh quan xung quanh. Du khách cũng có thể sử dụng xe đạp, xe điện để đến lăng và khám phá phong cảnh ngôi làng truyền thống xung quanh. Vào những ngày mưa, du khách có thể cầm dù viếng cảnh trên con đường đi bộ đầy hoa: một trải nghiệm thú vị. Thêm vào đó, khôi phục lại bến sông để du khách trải nghiệm “con đường thời gian” trên sông viếng Lăng của các Ông Hoàng, Bà Chúa ngày xưa. Trên con đường đi bộ này cảnh quan sẽ hòa du khách lẫn vào thiên nhiên chuẩn bị tâm thế khi chiêm ngưỡng “cung điện ngàn thu” của vua Khải Định.
2.Vị trí phía trước Lăng sẽ trở thành vườn hoa, bán lưu niệm, chỗ ngồi nghỉ chân chờ xe rước của du khách.
Với cách thức này chúng ta vẫn bảo tồn “di sản đang còn sống” mà vẫn phát huy được giá trị để phục vụ cộng đồng mà không ảnh hưởng đến tính uy nghiêm, trầm mặc của lăng Khải Định.
Hồ Viết Vinh – GĐ Trung tâm nghiên cứu Kiến trúc. Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh
6. Lưu Trọng Văn (4g chiều 14-09-2023)
Những viên đạn bắn vào Huế…
Gã yêu Huế. Nhưng mấy ai dù là người Huế hiểu cho rành cho ngọn, Huế đẹp ở điểm gì? Gã tin cha gã người yêu Huế từng hồn chữ, xác chữ với những câu thơ về Huế:
Chờ em đêm đã khuya rồi
Rộn ràng lá đổ vàng rơi đầy thềm…
Rồi:
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh…
Rồi:
Mưa chi mưa mãi
Lòng nhớ nhung hoài
Nào biết nhớ nhung ai.
Vâng, cha gã chắc chắn sẽ bảo rằng, Huế đẹp vì Huế…buồn.
Có lần gã chuyện với Trịnh Công Sơn, Sơn bảo, Huế chỉ đẹp khi trên sông Hương chiều vắng, một con đò, khi trên con đường leo dốc Bến Ngự thấp thoáng chiếc áo dài tím.
Gã có lần tới một ngôi nhà xưa cũ trong thành nội, rợn da gà khi từ ô cửa sổ có giàn thiên lý nhè nhẹ tiếng đàn tranh. Rồi thấy thấp thoáng một cô gái chừng 16 tuổi, vừa đàn vừa nhìn lên đám mây bay. Gã đã viết tặng cô gái ấy đôi câu thơ:
Mây bay, mây bay
Bao nhiêu mây cho đủ chở nỗi buốn gái Huế
Nàng ngồi bên cửa sổ
Mải ngắm mây bay, quên gửi nỗi buồn mình.
Khách xa đến Huế nếu không có cảm nhận một nỗi buồn man mát, không cảm nhận sự im lặng của thời gian, không cảm nhận cái xưa xưa một triều đại, không cảm nhận trời mưa một gót chân nhón trên đường, rồi một tiếng rao đêm…rồi một tiếng dạ mà ngàn thương…thì làm sao thấy được hồn Huế.
Huế là không gian duy nhất ở đất nước này để con người dù lang bạt tha phương, dù đô hội kinh kì đẩu đâu trở về tìm lại chính mình cùng sự thiền linh, thiền tâm, thiền tình.
Kẻ nào không hiểu điều ấy, không thấy giá trị ấy, vẻ đẹp ấy của Huế muốn Huế trở thành một không gian náo nhiệt, hội hè,tưng bừng ánh sáng, vút cao những tòa nhà kính, ồn ã những tiếng xập xình, kẻ ấy đang bắn những viên đạn vào Huế.
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, người mà gã gọi là “nhà Huế học” trách gã sao không lên tiếng về Huế khi người ta ấy đang chĩa súng vào Huế và bóp cò với những đường đạn rạch nát không gian thiền linh, thiền tâm, thiền tình của Huế.
Nói gì bây giờ?
Chỉ ai hiểu được cái buồn khác với nỗi buồn, kẻ ấy mới có thể hiểu được Huế mà thương Huế, yêu Huế.
Chỉ ai hiểu hồn lịch sử trong từng tiếng thở của cỏ cây, của từng viên đá thời gian, của từng sợi hương khói, mới biết cần nhón từng bước chân, dù đường xa để trước cảnh đẹp, trước chiều sâu văn hóa lịch sử mà nghiêng mình.
Vấn đề không chỉ là các ngài quan phủ, quan huyện muốn xây cái này, bãi xe nọ, chỗ ăn chỗ bán bán mua mua cho du khách tới Huế để rồi băm nát di tích cổ xưa bởi những bãi giữ… xe, thực chất giữ … tiền.
Vấn đề là cả một thể chế được xây dựng trên nền tảng văn hóa nào.
Vâng, tiếng vang những viên đạn đang bắn thẳng vào Huế mà nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân cùng nhiều người yêu Huế đang phẫn nộ thét lên chỉ là những viên đạn đạch đùng bị lấn át bởi những tràng đại bác gầm vang nhiều năm nay người ta liên tục nã thẳng vào cái đẹp, cái thơ, cái chiều sâu nhân tình của dân tộc, của lịch sử.
Việc xây dựng bãi đỗ xe gần lăng vua Khải Định, cũng như ở gần lăng vua này, vua nọ ở Huế, thiết nghĩ bài viết của nhà nghiên cứu NĐX là tâm huyết, đầy trách nhiệm với Huế di sản, các nhà chức trách ở…” nước Huệ” nên lắng nghe để có cách làm tốt hơn.
Nhân thể, Bùi Ngu tui có thêm một ý rằng, nên chăng, tìm một địa điểm thích hợp nhất, XD một, và chỉ một “Vườn Xe Du Lịch” chung cho các xe đưa, đón khách tham quan di tích các lăng vua triều Nguyễn ở phía tây thành Huế- (Xe đổ khách xuống tham quan Lăng, chạy đến đỗ chờ dưới tán Xanh của rừng cây (đa số là thông) thì còn chi bằng). Địa điểm XD, sao cho nếu lấy “Vườn Xe” làm trung tâm thì bán kính đến đón khách ở các Lăng (sau khi đã khách tham quan) là hợp lý, thuận lợi là hay nhất.
Gọi nôm là “Vườn Xe Du Lịch” hoặc “Công Viên Xe…” gì đó thì tùy. “Công Viên Xe ” này chỉ tận dụng tán Xanh của rừng, làm thêm các điểm nhấn cảnh quan hoa viên, một số dịch vụ thật cần thiết, cũng theo phương thức Xanh, thân thiện môi trường, tôn trọng cảnh quan, di tích. Đặc biệt lưu ý tạo điều kiện cho các bác tài – lái xe (driver ) nghỉ ngơi thư giãn, phục hồi sức khỏe (trong khoảng thời gian xe đợi đón du khách) để lại hành trình đón, đưa khách du ngoạn Huế, Việt Nam một cách vui vẻ, an toàn, hiệu quả. Mong thế lắm thay, Huệ ơi
8. Nam Son Bui Van (12:18 PM, 14-9-2023)
Thưa Anh Nguyễn Đắc Xuân quý mến,
Rất vui mừng nhận được thư Anh vì lâu quá chưa có dịp gặp nhau! Và rất cảm động trước tâm huyết của Anh đối với việc lên tiếng bảo vệ di tích cố đô Huế (quê hương tuổi thơ của tôi từ khi sinh ra đến khi về lại Hội An, Đà Nẵng sau 1954!). Anh ơi, sau vụ Lăng Tự Đức, nay đến Lăng Khải Định, rồi còn gì nữa? Bao nhiêu tâm sức của bao người phải đổ ra để chỉ lo ngăn chặn những điều ngang trái, còn gì cho xây dựng và phát triển!
Ở xa, chỉ biết mong rằng tiếng nói của Anh và các bạn yêu Huế sẽ được lắng nghe. Và cũng mong anh Nguyễn Văn Cao (chủ tịch tỉnh) mà tôi (và anh Nguyễn Tường Bách) đã hân hạnh quen biết sẽ có giải pháp kịp thời.
Thân chúc Anh khỏe mạnh và thành công!
BVNS
9. Ngô Minh Khôi
Xin nói thêm. TTBTDTCĐ bảo rằng đã có thỏa thuận với Bộ VHTTDL. Tôi nghĩ các cơ quan hành chính không bao giờ có thỏa thuận miệng! Nên phải trình cái bằng cớ giấy thỏa thuận ấy ra. Nếu không trình được là làm không xin phép cơ quan quản lý di tích. Thứ hai: Vùng bảo vệ Di tích ( vùng 1, 2) đối với lăng Khải Định như thế nào, phải trình bản đồ ra cho công luận biết, coi cái bãi đỗ xe đó có nằm ngoài hay trong vùng bảo vệ Di tích! Thứ ba: Bãi đỗ xe du lịch lăng Khải Định mà đến 5.000 mét vuông là quá đáng. Có phải đất là âm mưu “ăn đất” di tích?
10. Nguyen Dang Hung
TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên tham khảo ý kiến của Hội đồng tham vấn khoa học của TT, thực hiện một cuộc thi thiết kế và công khai dự án trước khi chọn giải pháp cho bãi đậu xe. Là người yêu Huế, tôi rất đồng tình với bài phản biện tâm huyết và cụ thể của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân!
11. Nguyễn Hồng Trân nghongtran38@
Trân đã nhân được bài phản biện của anh, Trân cũng đồng tình với ý kiến chính của anh.
Chúc anh và gđình các cháu SK.NHT
12. Trần Nguyên Vấn trannguyenvan37@
Cảm ơn anh Nguyễn Đắc Xuân cho những thông tin cụ thể về vụ việc mới ở lăng Vua Khải Định. Bài viết này tôi cũng đã đọc trên FB và hoan nghênh ý kiến của anh.Chúc anh có nhiều đóng góp cho Huế.
13. Thái Kim Lan thaikimlanhue@
Ung ho NDX trong vu nay!
14. Nguyễn Văn Dũng nguyenvandung41@
Đã đọc. Cám ơn anh Xuân.
Rất tâm huyết. Rất thuyết phục. Chỉ mong sao, cũng như Dự án Vọng Cảnh trước đây, TT dừng Dự án, lắng nghe ý kiến của công luận, nhất là những bậc thức giả và tâm huyết như anh Xuân, để vấn đề được sáng rõ hơn, được chín hơn…
15. Ngan Le Ho (Đại học Hoa Sen) nganleho@ cùng với Bửu Nam Nguyễn Phước và 3 người khác
Trả lời báo chí, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến của thầy phong thủy Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp”. Đó là một cách lý giải hoàn toàn mang tính cá nhân, thiếu trách nhiệm khi chưa lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng tham vấn và phớt lờ những cảnh bảo về di sản
16. Manh Pham ( 1:58 AM (12 hours ago)
Kính gửi bác Xuân,
Cháu Mạnh,
17. Nguyen Tu Triet (Sep 11 (1 day ago))
Hoan hô bác Xuân. Rất thuyết phục, hợp tình hợp lý.
18. Bang Do (Sep 11 (1 day ago))
Cám ơn anh,
Mong anh sức khỏe
19. TS Tran tuan tran Thành phố Hồ Chí Minh) 9:18 AM (4 hours ago)
Anh Xuân và Châu ơi,
Nếu không quy hoạch vùng lăng tẫm Huế thành một đặc khu cấm mọi xây dựng mới, thì chừng 20 năm nữa, e tất cả sẽ trở thành khu non bộ như non bộ khu kinh thành Huế của một ngừơi Huế ở quận 9!
Anh Xuân nói mạnh và rộng hơn lên, để mọi người ở Việt Nam và trên thế giới theo anh! Anh nói riêng với mấy ông trời Huế thì cũng như nói với đầu gối!
Thăm Châu và anh Xuân vui mạnh.
Đến vậy mà ngành văn hóa và du lịch của tỉnh và bộ Văn hóa vẫn im lặng được thì khó hiểu quá???
Họ lờ anh ạ!
Đề nghị dừng ngay việc thi công bãi xe
Bác Xuân chỉ ra 3 không, 4 vi phạm và 2 nguyên do. Nhưng bác không nói đến cái nguyên nhân của “nguyên do” đó. Đó là xu hướng ai được giao quản lý cái gì thì tranh thủ mà bán cái đó. Họ sợ không bán nhanh, người khác sẽ bán mất. Trong luật di sản, người ta phải phân vùng bảo vệ di tích, nhưng nếu đã lập bản đồ khoanh vùng rồi thì làm sao bán được!
Đã từng viết thơ Haikâu khi cùng lúc có hai bãi đậu xe Tự Đức, Khải Định:
Trung tâm Di tích nghĩ răng/
Bãi đậu xe được xâm lăng quý Ngài?
27. Le quoc an Sep 11 (1 day ago)
Anh Xuân thân mến
A nen gửi văn bản này cho Bi thu, Ct tỉnh, BT văn hoa và Thủ tướng.
Tôi tin là Thủ tướng sẽ nghe ý kiến của anh.
LQA
28. Lê Tân (Phú Đạt Gia) (Huế)
Kính gửi Huế của Tôi!…
Quả thực trong thời gia ngần đây, chuyên của Huế khá thú vị, và cũng khá nhạy cảm.Tôi bỗng thấy mình thực có lỗi nếu không tham gia ý kin trong một vài sự việc chung quanh về di tích, di sản… Tôi chú ý nhất là sự việc “BÃI ĐÕ XE TRƯỚC LĂNG KHẢI ĐỊNH” khá nhiều ý kiến, tôi chú ý về ý kin của NNC Nguyễn ĐắcXuân và lý giải của Ts. Phan Thanh Hải… bởi hai ý kiến này đều sắc sảo và luận cứ đầu chính đáng.
Sau khi tìm hiểu, thăm quan thực tế… quan điểm cá nhân tôi xin được mạo muội kiến nghị như sau:
Để giải quyết thấu tình đạt lý, nên chăng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên đứng ra tổ chức một buổi tọa đàm, diễn đàn đối thoại, hội thảo để những nhà nghiên cứu, những nhà sử học, chuyên gia có sự tham dự của Lãnh đạo tỉnh. Tôi tin tưởng với những tấm lòng vì Huế, yêu Huế ai ai cũng muốn xây dựng một thành phố Huế phát triển đồng bộ và bền vững xứng tầm và thỏa mãn kỳ vọng của nhân dân.
Với tôi, tôi từng được nghe một câu nói, một lý giải mà với góc nhìn của một doanh nhân một ngưởi có tham gia tìm hiểu về lịch sử tôi thấy thật thú vị và đáng suy gẩm.
… “BIẾT XÂY DỰNG DI TÍCH THÀNH DI SẢN VÀ DI SẢN THÀNH TÀI SẢN THÌ CHẮC CHẮN SẼ TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỄN RẤT BỀN VỮNG”…
Kính chúc mọi điều, mọi việc làm đúng đắn tốt đẹp luôn xãy ra với Huế.
Lê Tân. Huế 16-9-2023
29. Nguyễn Trung Hiếu (Báo Lao Động)
Việc xây dựng bãi đỗ xe để phục vụ khách tham quan lăng Khải Định, ai cũng đồng tình, nhưng phần lớn người xứ Huế không đồng tình việc xây dựng bãi đỗ xe ngay bên trái phía trước lăng Khải Định. Các nhà nghiên cứu và dân chúng đề nghị chuyển qua một địa điểm khác theo quy hoạch của ngành giao thông. Thế nhưng không hiểu sao Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế cứ nhất quyết biện bạch, xây dựng cho kỳ được bãi đỗ xe trên miếng đất bên trái trước lăng Khải Định, chứ không chịu dời địa điểm qua một nơi khác rộng rãi, không ảnh hưởng đến di tích. Việc tranh luận nầy kéo dài đã mấy tháng nhưng chưa thấy ý kiến gì của lãnh đạo Tỉnh Thiên Huế, hay bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cả? Phía sau dự án có lợi ích riêng của nhóm người nào không anh Nguyễn Đắc Xuân?
30. Bảo Duy Linh: Có khả năng là xung quanh diện tích làm bãi xe đã phân lô cho các hàng quán bán thức uống và đồ lưu niệm. Và đã thu Tiền hết rồi. Giờ thay đổi mệt lắm anh H ơi. Huế của ta mà!
Nguyễn Đắc Xuân,
Tập hợp cho đến ngày 9-10-2023
Con Đường Di Sản Miền Trung (35): Lăng Khải Định
Lăng Khải Định rất đặc biệt, khác hẳn những lăng khác ở Huế. Đây là lăng duy nhất phối hợp những yếu tố hiện đại của Tây Phương và truyền thống kiến trúc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Vợ chồng tôi đã đến đây thăm viếng năm 2003. Năm ngoái về Việt Nam thăm lại quê hương kỷ niệm 50 năm ngày cưới, vợ chồng tôi đã trở lại đây, hay lắm.
Lăng Khải Định được xây cất trong suốt 11 năm, lâu hơn lăng của các vua nhà Nguyễn khác ở Huế. Tưởng cũng nên nhắc lại là lăng của vua Gia Long được xây trong 6 năm, so với lăng vua Mình Mạng được xây trong 4 năm, và lăng vua Tự Đức được xây chỉ trong vòng 3 năm thôi.
Lăng Khải Định phối hợp được văn hóa của Pháp và Việt Nam, nên có một sắc thái rất đặc biệt khác hẳn những lăng tẩm khác ở Huế.
“Dưới thời Khải Định (1916-1925), chủ quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hoá nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta. Cho nên,ở lăng Khải Định, một số yếu tố hiện đại (éléments modernes) đã chen lấn vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc..
Tuy nhiên, tất cả núi đôi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy địa lý: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng châu, minh đường, thủy tụ, tạo ra được cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Nhưng giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng này là ở phẩm trang trí nội thất cung Thiên Định, công trình kiến trúc chính của lăng…” ( Biet Het, http://www.biethet.com/tin/lang-khai-dinhmot-nen-kien-truc-doc-dao-cua-tthue_tin11959.html)
“So với 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng sau cùng, và mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của.
Nếu lăng Gia Long xây dựng trong 6 năm (1814-1820) lăng Minh mạng trong trong 4 năm (1840-1843), lăng Tự Đức trong 3 năm (1864-1867) thì công việc kiến trúc của lăng Khải Định kéo dài đến 11 năm (1920-1931).
Dưới thời Khải Định (1916-1925), chủ quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hoá nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta. Cho nên,ở lăng Khải Định, một số yấu tố hiện đại (éléments modernes) đã chen lấn vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Thoạt nhìn, lăng Khải Định giống như một toà lâu đài ở châu Âu, vì được xây dựng bằng bê tông trên một sườn núi. Các vật liệu truyền thống của bản địa như gỗ, đá, gạch, vôi ở đây chỉ là một số lượng không đáng kể. Những cánh cửa sắt, gạch ca rô ngói ác-đoa, cột thu lôi (paratonnerre), hệ thống đèn điện những tháp nhọn stoupa cũng là những thứ ngoại lại. Sự loại bỏ màu xanh của lá cây cổ thụ, sự vắng bóng của mặt nước ao hồ và bể cạn trong lăng, làm cho tổng thể kiến trúc từ bậc cấp thứ nhất đến bậc cấp thứ 127 thiếu đi vẻ êm dịu, tưới mát. những con rồng to lớn, kệch cỡm tạo nên các thành bậc thềm của 5 tầng sân càng tăng vẻ mặt nặng nề cứng cỏi của toàn bộ công trình kiến trúc hình khối bằng bê tông.
Tuy nhiên, tất cả núi đôi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy địa lý: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng châu, minh đường, thủy tụ, tạo ra được cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ. Nhưng giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng này là ở phẩm trang trí nội thất cung Thiên Định, công trình kiến trúc chính của lăng.
Về mặt hội hoạ, ở các mặt tường và trần của Tả, Hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu xanh sầm vẽ lên xi măng để giả đá cẩm thạch trông giống như thật. Những bức hoạ long vân với diện tích hàng chục mét vuông trên trần 3 phòng giữa của cung Thiên Định đang được các hoạ sĩ Việt Nam hiện đại công nhận là những bức hoạ hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội hoạ nước ta.
Về nghệ thuật ghép mảnh lên tường, những “”bàn tay vàng” của các ngệ nhân đầu thế kỷ XX đã dùng hàng vạn mẫu sành sứ thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh cung đình và dân gian sinh động, sống sít, vui mắt: các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngủ quả, ngọn đèn dầu hoả, những chiếc đồng hồ, mấy cái mè đay, v..v.Mọi hình ảnh tuy được kết cấu bằng những vật liệu cứng, nhưng nhờ sự tạo hình khéo léo, nên trông vẫn trang nhã, mượt mà, óng ả, long lanh.
Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự toạ, các nghệ nhân bậc thầy thời ấy đã tạo ra được cho người xem cái ảo giác nó rất nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng. Ở một số panô thể hiện cây cối hoa lá, khách tham quan có cảm tưởng như đang thấy gió thổi tre nghiêng, mưa rơi liễu rũ…Trong một số hộc khác, các thú vật như đang chạy nhảy trên núi đồi, đồng cỏ, những đôi chim như đang bay lượn, vùng vẫy giữa không gian.
Ngoài những chữ “”phúc” ở đây còn tang trí hàng trăm chữ “thọ” và “vạn thọ” được cách điệu hoá bằng cả chục hình thức khác nhau: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình thuẫn, hình cái lư, hình lồng đèn…Thọ nghĩa là sống lâu, sống mãi, nói lên quan niệm “sống gửi thác về” của các vua nhà Nguyễn.
Triều đình đã đưa tất cả các thợ thủ công có tay nghề cao nhất trong “Nê ngoã tượng cuộc” lên dạy làm việc dài hạn. Trong số đó có một nghệ nhân nổi tiếng nhất về tài trang trí bằng cách vẽ những bức hoạ long vân trên trần và đáp nổi cảnh vật lên tường, là cụ Phan Văn Tánh, về sau được tặng hàm bát phẩm.
Trong lăng Khải Định, hiện nay có hai pho tượng bằng đồng tạc hình nhà vua với tỉ lệ 1/1: một pho tượng ngồi trên ngai vàng và một pho tượng đứng. Sự có mặt của tượng vua trong lăng là một điều đặc biệt so với các lăng khác.
Pho tuợng ngồi ttrên ngai vàng được thực hiện ở Paris vào năm 1920, do hai người Pháp là P.Ducuing tạc tượng và F.Barbedienne đúc tượng. Trong lòng tượng rỗng nên không nặng lắm, sau khi chở về đến Huế mới mạ vàng bên ngoài.
Còn pho tượng đứng thì ngay tại Huế do một người lính thợ, quê ở Quảng Nam thực hiện. Làm xong, ông cũng được tặng hàm bát phẩm. Tượng này nguyên đặt trong ngôi nhà bát giác xinh xắn mang tên là Trung Lập Đình ở trong sân trước của cung An Định. Vào năm 1960, trong hoàn cảnh chính trị và xã hội thay đổi, pho tượng được đua lên đặt tại Bi đình ở lăng Khải Định. Kể từ năm 1975, nó bị dẹp vào cất trong một phòng kín tại lăng.
Để thực hiện các công trình kiến trúc và trang trí tốn kém ở lăng Khải Định, nhà nước bấy giờ đã tăng thuế điền trên toàn quốc lên 30%. Kinh phí lớn nhất là phải mua vật liệu từ nước ngoài. Sắt Xi măng, ngoái á đoa phải mua từ Pháp. Sành ngang chở từ Hà Đông vào, nhưng sành kiểu, sứ tốt, vỏ chai, thủy tinh phải nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản…Theo họ, lăng tẩm không phải chỉ là chỗ chôn người chết, mà còn là nơi họ tiếp tục sống muôn thuở ở thế giới bên kia. Sau lưng ngai vàng vua Khải Định ngồi, còn có mô hình mặt trời đang lặn. Vua cao cả như mặt trời. Mặt trời lặn biểu thị nhà vua băng hà. Với óc thông minh sáng tạo, người thợ thủ công Việt Nam thời Khải Định đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật của đất nước đương thời với nghệ thuật phù điêu bằng sành sứ cực kỳ tinh xảo, vô cùng độc đáo và hết sức hấp dẫn.
Với tượng đồng bia đá, với cung Thiên Định giống như một viện bảo tàng, với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, lăng Khải Định là một tác phẩm mỹ thuật tổng hoà của nhiều dòng văn hoá, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim cổ đông tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời và đánh dấu giai đoạn giao thời giữa hai nền văn hoá Á Âu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ.
Trong quyển “L’art Vietnamien” (Mỹ thuật Việt Nam), L.Bezacier đã gọi mỹ thuật thời Khải Định là thời “tân cổ điển” trong lịch sử mỹ thuật nước ta.”
( Biet Het, http://www.biethet.com/tin/lang-khai-dinhmot-nen-kien-truc-doc-dao-cua-tthue_tin11959.html)
“Lăng Khải Định (còn gọi là Ứng Lăng) là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế. Chuẩn bị xây
Khải Định lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng.
Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.
Xây dựng
Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích rất khiêm tốn hơn: 117 m × 48,5 m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình.
Kiến trúc
Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc.
Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể:
* Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; * Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo; * Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; * Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…
Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.
Cung Thiên Định
Cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây. Công trình này gồm 5 phần liền nhau:
* Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; * Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định; * Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới; * Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.
Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.”
( Wikipedia, http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C4%83ng_Kh%E1%BA%A3i_%C4%90%E1%BB%8Bnh)
Khai trương 5 Blog mới kể lại những ngày hưu trí đi du lịch khắp nơi, đi, thấy, hiểu, và vui hưởng cuộc đời. Mời các bạn viếng thăm:
Khu Di Tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh Tại Phủ Chủ Tịch
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch trong 15 năm (từ 1954 đến 1969). Nhiều địa danh lịch sử ở nơi đây đã gắn liền với những hoạt động cách mạng sôi nổi và cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: toà nhà Phủ Chủ tịch, nhà 54, nhà sàn, nhà H.67, phòng họp Bộ Chính trị, hầm H.66 và các di tích ngoài trời như: đường xoài, vười cây, ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch…
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được bảo vệ, bảo quản một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Giới thiệu chung về một số điểm di tích tại Phủ Chủ tịch* Thời gian mở cửa hàng ngày:– Các ngày trong tuần, trừ chiều thứ Hai và thứ Sáu.
– Giờ mở cửa mùa hè: – Sáng từ 7 h 30 đến 11h.
– Chiều từ 14h đến 16h.
– Giờ mở cửa mùa đông: – Sáng từ 8h đến 11h.
– Chiều từ: 13h 30 đến 16h.
* Liên hệ tham quan: – Phòng Tuyên truyền – Giáo dục.
– Tel: 08043226 – 08043381. – Địa chỉ: Số 1, Bách Thảo- Ba Đình- Hà Nội
Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội ngày nay được gọi bằng tên chính thức: Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch. Về khoa học bảo tàng, khu di tích được coi là bảo tàng lưu niệm về sinh hoạt đời sống danh nhân.
Khu di tích Phủ Chủ tịch nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Phía Bắc Khu di tích giáp Hồ Tây, phía Nam giáp chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh; phía Tây liền kề với Bách Thảo, phía đông nhìn thẳng ra đường Hùng Vương, Lăng Bác và quảng trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vào mùa thu năm 1945. Diện tích toàn bộ Khu di tích hơn 10 ha, bao gồm nhà cửa, vườn cây xanh, thảm cỏ, ao cá và sân, đường đi lối lại. Theo tính chất của các công trình kiến trúc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi đó, Khu di tích được chia thành ba khu vực:
1. Di tích nhà 54 – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ cuối năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958.
2. Di tích nhà sàn gỗ- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc từ giữa tháng 5 năm 1958 đến năm 1969.
3. Di tích nhà 67- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt (1967 – 1969), nơi Người chữa bệnh và qua đời.
4. Các di tích khác như: vườn cây xanh, ao cá, nhà bếp và xe ôtô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng.
Khu B và C: gồm có nhà khách Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn cây xung quanh các nơi này. Hiện nay, khu vực này Nhà nước và Chính phủ vẫn đang làm việc.
Chỉ có khu vực xung quanh Phủ Chủ tịch và các di tích chính ở khu A được đưa vào hoạt động, phục vụ cho công tác tuyên truyền phát huy tác dụng. Toàn bộ Khu di tích có khoảng 1456 hiện vật (trong đó đang trưng bày 759 hiện vật) thuộc nhiều chất liệu khác nhau. Các di tích, hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ tại nơi đây đều đảm bảo tính nguyên gốc, nguyên trạng như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nơi đây từ năm 1954 đến năm 1969. Trong 15 năm đó Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho Cách mạng Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vượt qua những thử thách cam go ác liệt để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội của thế giới. Với tất cả những ý nghĩa đó, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (ngày 2-9-1969), nơi Người ở và làm việc cùng với các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành những vật chứng quý giá, biểu tượng thiêng liêng về cuộc sống, hoạt động của Người trong 15 năm cuối đời.
Cùng với những hoạt động sôi nổi, đầy ý nghĩa và cuộc đời vĩ đại trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình kiến trúc khác nhau trong Khu di tích Phủ Chủ tịch và cảnh quan với cảnh quan môi trường, sân vườn, đường đi, trong một không gian rộng đã tạo nên một quần thể di tích hoàn chỉnh, độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hoá, đạo đức, thẩm mỹ. Những giá trị đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức tác phong, lối sống, đức khiêm tốn giản dị, tinh thần cách mạng, tình yêu tha thiết với nhân dân, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về việc bảo quản, gìn giữ tốt khu lưu niệm, các di tích, hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tai Phủ Chủ tịch. Các văn bản pháp quy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hoá tiếp sau đó đã hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trở thành di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia có tầm cỡ quốc tế và trở thành di sản văn hoá vô giá của dân tộc để Khu di tích hoạt động có hiệu quả cao nhất.
Thời gian đã và mãi mãi sẽ trôi qua, cuộc sống ngày một phát triển nhưng Khu di tích Phủ Chủ tịch vẫn được giữ nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở nơi đây mà không thấy dấu vết của quyền uy, phú quý. Cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành bài học cho mọi thế hệ người Việt Namvà trở thành hình ảnh trong sáng tuyệt vời trong trái tim bạn bè thế giới. Nơi đây mãi mãi trở thành nơi hành hương của nhân dân Việt Nam và những ai yêu hoà bình, tự do và công lý trên toàn thế giới.
Điểm di tích đầu tiên trong hành trình tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là toà nhà Phủ Chủ tịch. Đây là toà nhà sang trọng, bề thế, cao bốn tầng nhìn thẳng ra đường Hùng Vương.
Công trình mang phong cách thời Phục Hưng này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX (1900 – 1906), do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Lich-ten Fen-đơ thiết kế. Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1300 mét vuông. Toàn bộ toà nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng. Trong thời thực dân Pháp cai trị, toà nhà được gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương, từ khi nhà được hoàn thành đến ngày cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và Quyền Toàn quyền ở và làm việc.
Trong năm 1945 đến năm 1946, hết phát xít Nhật đến quân đội Trung Hoa dân quốc chiếm giữ toà nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Toà nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, thủ đô Hà Nội được giải phóng (tháng 10 – 1954), (toà nhà được gọi là Phủ Chủ tịch). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước; tiếp đón khách quốc tế và gặp gỡ đại biểu nhân dân Việt Nam.
Với nhân dân Việt Nam, Người gặp gỡ các đại biểu thuộc mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt họ thuộc tôn giáo, đảng phái nào, làm ngành nghề gì. Trong 15 năm, từ năm 1945 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước. Phủ Chủ tịch còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (ngày 2 tháng 9 năm 1969), Phủ Chủ tịch trở thành một trong những di tích lưu niệm về Người được Nhà nước xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng trong tổng thể Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Song từ đó đến nay toà nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước; những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước ta vẫn được tiến hành trọng thể ở đây.
Các di tích ngoài trời là một bộ phận vô cùng quan trọng và gắn bó chặt chẽ trong tổng thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây cũng chính là những yếu tố cần thiết góp phần tạo thêm những giá trị và những nét đẹp sinh động, độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về Khu di tích. Di tích ao cá, vườn cây, đường xoài,… đã trở thành những hình ảnh thân thuộc đi vào ký ức của các du khách trong nước và nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Toàn quyền Đông Dương vẫn thường tới uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để làm cho môi trường thêm trong lành và cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Ao rộng hơn 3000 mét vuông, nơi sâu nhất khoảng 3 mét. Trong ao nuôi nhiều loại cá khác nhau như: Trắm, chép, mè, rô phi… để tận dụng hết nguồn thức ăn ở các tầng nước.
Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn.Trước khi cho cá ăn, Người thường vỗ tay gọi, lâu dần tiếng vỗ tay của Người đã tạo cho cá một phản xạ quen thuộc, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao. Năm 1959, Người gửi cá giống cho hợp tác xã Tiền Phong- Yên Sở- huyện Thanh Trì- Hà Nội để động viên nhân dân tích cực phát triển nghề cá.
Ao cá là điểm di tích sống động cho du khách đến tham quan nơi này.
Xe ô tô dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hai chiếc xe ôtô phục vụ việc đi lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản chu đáo tai nhà xe nhỏ bên phải ngôi nhà 54. Đó là hai chiếc xe Pôbêđa và Pơgiô 404.
Xe ô tô Pô-bê-đa là một trong những chiếc xe do Chính phủ Liên Xô tặng cho Việt Nam vào năm 1955. Tháng 3 năm 1957, Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao đã chuyển chiếc xe này sang văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó đến năm 1969.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Chính phủ Liên Xô tặng thêm cho Việt Nam một số xe ô tô đời mới mang nhãn hiệu Von – ga đẹp hơn xe Pô- bê- đa về kiểu dáng, tốt hơn về tính năng kỹ thuật. Các đồng chí trong Văn phòng xin phép Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sử dụng loại xe mới này để phục vụ Người, nhưng Người từ chối với lý do: để dành xe tốt cho các đồng chí làm công tác ngoại giao.
Chiếc xe Pơ-giô 404 là một trong những chiếc xe ô tô của đồng bào Việt kiều ở Tân Đảo biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 3 năm 1964 trong chuyến hồi hương cuối cùng theo lời kêu gọi của Người. Chiếc xe này được dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm cuối, khi sức khoẻ của Người bắt đầu giảm sút.
Vẻ Đẹp Kiến Trúc Lăng Khải Định Và Sự Giao Thoa Văn Hóa Đông
Nhưng đổi lại, sự công phu trong kiến trúc đã khiến lăng trở lên lộng lẫy, sắc xảo hơn khi có sự giao thoa giữa 2 nên kiến trúc, văn hóa Đông – Tây.
Có thể thấy rằng, kiến trúc lăng Khải Định cho đến nay vẫn còn nhiều tranh luận của giới nghiên cứu với sự độc đáo, khác lạ với nét kiến trúc chưa từng có trong lịch sử.
Lăng Khải Định còn có tên gọi khác là Ứng Lăng (應陵). Đây chính là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn.
Toạ lạc của lăng Khải Định được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.
Vua Khải Định tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Ông là con trai duy nhất của vua Đồng Khánh vị vua thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn.
Khi được lên ngôi, vua Khải Định với niềm đam mê xây dựng, công trình kiến trúc từ cung điện, dinh thự, lăng tẩm của bản thân. Hay hoàng tộc như: điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức
Vua Khải Định có tổng cộng là 12 bà vợ nhưng lại chỉ có 1 người con là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tức là vua Bảo Đại.
Để xây dựng lăng tẩm cho mình, vua Khải Định đã tổng hợp lại nhiều tấu trình từ thầy địa lý. Và cuối cùng ông quyết định xây lăng trên triền núi Châu Chữ.
Với vị trí nơi đây, lăng Khải Định đã lấy quả đồi thấp phái trước để làm tiền án. Lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt để làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”.
Riêng khe Châu Ê chảy từ trái qua phải thì được chọn làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Từ đó, nhà vua đã đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi với cái tên lăng theo đúng tên núi là Ứng Lăng.
Lăng Khải Định được khởi công vào ngày 04/09/1920 do tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người cầm cán.
Công trình xây dựng lăng kéo dài liên tục trong vòng 11 năm mới hoàn tất. Để tạo lên được công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ như này thì có sự góp sức của nhiều thợ nghề và nghệ nhân cao tay khắp cả nước như: Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng…
Kinh phí xây dựng lăng là do vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ để ông tăng tiền thuế điền là 30% trên cả nước và số tiền thuế đấy dùng để xây lăng. Chính việc làm này của vua Khải Định đã bị lịch sử lên án rất gay gắt.
2. Tổng quan về kiến trúc lăng Khải ĐịnhLăng Khải Định sở hữu diện tích không quá rộng là 117m x 48,5m nhưng độ kỳ công, tỉ mỉ về kiến trúc lại tốn nhiều thời gian.
Xung quanh lăng tẩm gồm khá nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn như: Đồi Thiên An, Hồ Thủy Tiên, Khu tâm linh Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát,…
Công trình kiến trúc lăng Khải Định đã phần nào phản ánh rõ sự xa hoa, thích chưng diện của Vua Khải Định lúc bấy giờ.
Nói đến kiến trúc của lăng Khải Định thì nhiều người cho rằng, ngoài nét kiến trúc truyền thống đậm chất nhà Nguyễn thì công trình lăng tẩm này lại sở hữu nhiều nét mới lạ, độc đáo thể hiện chất ngông nghênh, ngạo ngễ, lạc lõng…mà ai nhìn vào cũng phải thán phúc với phong cách kiến trúc đó.
Dòng nguyên vật liệu dùng để xây lăng do chính vua Khải Định cho người sang Pháp mua ngói ngói Ardoise, xi măng, sắt, thép…, và điều động những con thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản để mua thủy tinh màu, đồ gốm sứ… để kiến tạo nên công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ này.
Xét về tổng thể lăng, thì lăng Khải Định là 1 hình khối chữ nhật vươn lên cao có đến tận 127 bậc cấp.
Đặc biệt, sự giao thoa hài hòa giữa nhiều trường phái kiến trúc như: Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Roman, Gothic…đã để lại những nét đẹp tinh tế mà nhiều công trình lăng tẩm không thể nào có được cụ thể như:
Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng nhiều từ nền kiến trúc Ấn Độ.
Trụ biểu dạng stoupa lại mang đậm cốt cách của Phật giáo.
Hàng rào như những cây thánh giá xây dựng khẳng khiu.
Nhà bia với những hàng cột bát giác và mái vòm cửa mang đâm lối kiến trúc Roman biến thể…
Đó chính là kết quả giữa 2 nên văn hóa Đông và Tây trong thời buổi giao thời lịch sử cũng như cá tính riêng của vua Khải Định.
Những bộ tranh tứ quý, bát tửu, ngũ phúc, hay bộ khay trà, vương miện….Hay là vật dụng hiện đại: đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trưng diện trang trí cho nơi đây.
Công trình kiến trúc này bao gồm 5 phần nối liền nhau:
Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ của lăng.
Phía trước chính là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung của vua Khải Định.
Chính giữa là bửu tán, pho tượng của nhà vua ở trên và mộ phần ở phía dưới.
Trong cùng chính là khám thờ bài vị của vua.
Thi hài của nhà vua đã được đưa vào bên dưới pho tượng bằng 1 toại đạo với độ dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau của Bi Đình.
Phía sau của ngôi mộ, là vầng mặt trời đang lặn như chính biểu thị cho cái chết của nhà vua.
3. Chùm ảnh bao trọn toàn thể lăng Khải ĐịnhNguyễn Chiên – Tổng hợp internet
Thẻ bài viết: kiến trúc, Kiến trúc độc đáo, Lăng Khải Định
Cập nhật thông tin chi tiết về Phải Chăng Không Thể Dời Bãi Đỗ Xe Trên Đất Di Tích Lăng Khải Định Sang Khu Ruộng Lúa Thuộc Làng Châu Chữ Sát Đó Là “Do Là Đất Nông Nghiệp Nên Thủ Tục Chuyển Đổi Mục Đích Sử Dụng Rất Khó Khăn” ? trên website Xnko.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!